80% nông sản xuất khẩu qua Lạng Sơn
Những năm gần đây, phía Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam nên lượng hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh. Mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đang tăng cường mức độ kiểm soát đối với hàng nông sản qua cửa khẩu và cặp chợ biên giới để kiểm soát chất lượng hàng hoá đối với hàng nhập khẩu vào Trung Quốc.
Vì thế, vào thời điểm chính vụ, nhiều mặt hàng nông sản, trái cây chủ lực như thanh long, xoài, vải thiều, dưa hấu, sầu riêng, thạch đen... chở đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh bị ùn tắc, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, thương nhân và ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
Để giải quyết tình trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng liên quan triển khai nhiều biện pháp như điều tiết phương tiện đến bãi chờ để phân luồng dần vào khu vực cửa khẩu; trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc nhằm kéo dài thời gian thông quan, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo đến các doanh nghiệp,…
Tỉnh cũng đã tập trung triển khai xây dựng khu chế xuất, khu phi thuế quan, khu trung chuyển hàng hóa, triển khai các dịch vụ logistics… phục vụ thông quan hàng hóa, có đủ điều kiện để bảo quản, đóng gói bao bì, nhãn mác, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Lạng Sơn dành gần 3.300 tỷ đồng đầu tư dự án Khu trung chuyển hàng hóa, tổng diện tích hơn 143ha trên địa bàn xã Thụy Hùng và Phú Xá của huyện Cao Lộc; quy mô dự án đáp ứng khoảng 364.000 lượt xe lưu thông/năm, góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại xuyên biên giới.
Tuy nhiên, các biện pháp nêu trên chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được triệt để tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh những lúc cao điểm.
Tăng thời gian thông quan bằng Cửa khẩu thông minh
Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã cùng lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tiến hành ký thỏa thuận khung giữa hai bên nhằm cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm CKTM tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Theo đó, hai bên đồng ý thúc đẩy xây dựng thí điểm CKTM tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc).
Theo đề xuất của Trung Quốc, CKTM sẽ được triển khai xây dựng theo hai mô hình, gồm phương thức vận chuyển đường sắt trên không thông minh và phương thức vận chuyển bằng xe tự hành AGV trên mặt đất.
Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Việc xây dựng mô hình CKTM là phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ cũng như của tỉnh Lạng Sơn, phù hợp với mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa giữa hai bên được tiến hành nhanh chóng, không tiếp xúc, không bị gián đoạn, nâng cao hiệu suất thông quan và giải quyết được vấn đề ùn tắc hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhất là trong thời gian cao điểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp, thương nhân.
Mô hình CKTM cũng góp phần tăng năng lực, hiệu suất thông quan, nâng cao lợi thế cạnh tranh của tỉnh, thu hút các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn tỉnh./.
Tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, Cửa khẩu Tân Thanh đóng vai trò là “trung tâm thương mại nông nghiệp”, là khu kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch quan trọng của tỉnh.
Tuyến liên vận đường sắt quốc tế ga Đồng Đăng sẽ trở thành tuyến vận tải đường dài có tính cạnh tranh cao dựa trên dịch vụ logistics và dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại, tương xứng với sự phát triển của dịch vụ đường sắt các nước ASEAN.