Doanh nghiệp FDIchuyển hướng tuyển dụnglao động có tay nghề
Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của công nghệ cao, máy móc thông minh, robot có trí tuệ nhân tạo... sẽ làm thay đổi lớn đến thị trường lao động và việc làm trên nhiều góc độ khác nhau. Cung - cầu lao động, cơ cấu lao động và bản chất việc làm đều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những lĩnh vực dựa vào lao động thủ công sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất và các đối tượng lao động này dễ bị thay thế bằng máy móc.
Cũng giống như nhiều DN vốn ưu tiên tận dụng nguồn lao động giá rẻ khác, DN FDI hiện đang sử dụng 80% lao động không có bằng cấp, chứng chỉ - theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Cụ thể, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cho rằng, thu hút lao động của các DN FDI còn thiên về khai thác nguồn lao động có giá nhân công rẻ, ít qua đào tạo, thậm chí dùng cơ chế thử việc để liên tục thay lao động. Tuy nhiên, điều đáng mừng là gần đây, nhìn nhận được thách thức phải đối mặt trong bối cảnh CMCN 4.0, các DN FDI có xu hướng quan tâm hơn tới nguồn lao động có kỹ thuật cũng như tăng cường đào tạo cho lao động để nắm bắt được công nghệ, kỹ thuật mới.
Tại Hội thảo “Tác động của cuộc CMCN 4.0 đến quan hệ lao động và chất lượng việc làm trong DN FDI tại Việt Nam hiện nay” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây, TS. Phạm Ngọc Thành (Trường Đại học Lao động - Xã hội) đánh giá cao những đóng góp tích cực của DN FDI vào sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc góp phần cải thiện nguồn nhân lực. Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các DN FDI, một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao từng bước được hình thành.
TS. Vũ Xuân Hùng (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, DN FDI cũng đang đi đầu trong việc hỗ trợ, đào tạo cho lao động. “Việc đầu tư chi phí cho đào tạo của các DN được thực hiện tương đối bài bản, chú trọng đến chất lượng của lao động” - TS. Hùng nói.
Bên cạnh đó, thay vì quá tập trung vào nguồn lao động giá rẻ như trước đây, các DN FDI đang chuyển hướng tuyển dụng lao động có tay nghề, đã qua đào tạo. Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện khoảng 40% DN FDI đang thiếu hụt lao động và gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng do không có lao động đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật. DN phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới và mức độ chi tăng qua các năm.
Nâng cao chất lượng lao động từ khâu thu hút đầu tư
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhìn chung, lực lượng lao động đang làm việc tại các DN, đặc biệt là DN FDI có trình độ thấp, số lượng lao động qua đào tạo bài bản chưa nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này một phần bắt nguồn từ chính sách thu hút DN FDI hiện nay chưa phản ánh được diễn biến, tác động của CMCN 4.0.
Theo đó, để cải thiện lao động cả về chất và lượng trong các DN FDI, các chuyên gia cho rằng, ở cấp độ vĩ mô, Nhà nước cần hình thành các định hướng và chính sách trong lựa chọn, thu hút đối tác đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài; ưu tiên thu hút các đối tác đầu tư vào một số ngành, sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn. Đặc biệt, cần từng bước chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng.
Đề cập sâu hơn, TS. Vũ Xuân Hùng cho rằng, nếu Việt Nam thực sự muốn tạo bước chuyển lớn và thu hút những DN FDI có trình độ cao tới đầu tư thì yêu cầu về chất lượng lao động là bắt buộc. Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã xác định đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để làm chuyển biến thực trạng này. Bên cạnh đó, các trường đại học, trường nghề cần quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng; tăng cường liên kết với DN nhằm gắn lý thuyết với thực hành trong quá trình đào tạo, hạn chế tình trạng lao động phải đào tạo lại...
Ở góc độ chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần hoàn thiện các tổ chức công đoàn trong DN FDI (khoảng 60% DN FDI chưa có tổ chức công đoàn). Tổ chức công đoàn cần hoạt động theo hướng ưu tiên cho cơ sở; đảm bảo tính năng động, linh hoạt, hiện đại để thu hút người lao động. Cán bộ công đoàn phải chú trọng đến việc thương lượng, đối thoại để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, để phát huy vai trò của lực lượng lao động trong các DN FDI cũng như tận dụng kinh nghiệm làm việc, công nghệ tiên tiến từ các DN này nhằm nâng cao chất lượng lao động trong nước, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực lao động, việc làm; tổ chức tốt hệ thống thông tin thị trường lao động để giới thiệu và kết nối việc làm ở thị trường lao động trong nước với nước ngoài. Đặc biệt, cần tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu lao động, nhất là dự báo về xu hướng “sa thải” lao động, xu hướng việc làm của lao động sau khi kết thúc quan hệ việc làm...
PHỐ HIẾN
(Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 16/5/2019)