Bất cập trong quản lý, giám sát làm giảm hiệu quả đầu tư cho giáo dục

(BKTO) - Là một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư, trong những năm qua, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) hằng năm tương đương 5% GDP. Tuy nhiên, cơ cấu chi ngân sách cho lĩnh vực này được cho là còn nhiều bất cập; cơ chế giám sát nguồn chi còn lỏng lẻo làm giảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.



Phân bổ ngân sáchcho GD&ĐT còn nhiều bất cập

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) Trần Tú Khánh, cơ chế quản lý, ngân sách dành cho GD&ĐT được phân cấp mạnh theo chiều dọc cho các địa phương và theo chiều ngang cho các Bộ, ngành. Hiện nay, trong tổng chi NSNN cho giáo dục thì ngân sách địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng chiếm tỷ trọng khoảng 89%, ngân sách do các Bộ, ngành, T.Ư quản lý, sử dụng là 11% (trong đó, Bộ GD&ĐT trực tiếp quản lý, sử dụng khoảng gần 5%).

TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - cũng cho rằng, cơ cấu chi cho GD&ĐT hiện bộc lộ rõ nhiều bất cập. Theo TS. Thăng, một trong những điều kiện để phát triển sự nghiệp GD&ĐT, đó là tăng cường cơ sở vật chất. Tuy nhiên, chi thường xuyên chiếm tỷ lệ rất cao, trong khi chi đầu tư xây dựng cơ bản rất thấp so với nhu cầu thực tế. Bất cập đó dẫn đến việc nguồn chi khó đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học. Cụ thể, các báo cáo kiểm toán tài chính công, tài sản công tại Bộ GD&ĐT qua một số năm cho thấy, chi thường xuyên thường chiếm trên 70% tổng chi ngân sách cho GD&ĐT.


Nguồn chi ngân sách giáo dục cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất trường học còn thấp
Sự bất hợp lý trong cơ cấu chi cho giáo dục cũng được bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - chỉ rõ khi góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Theo bà Hoa, trong cơ cấu chi theo cấp học, chi cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông chiếm xấp xỉ 70% tổng chi (chủ yếu là chi ngân sách địa phương). Trong khi đó, chi cho đào tạo đại học trên 12%, giáo dục nghề nghiệp xấp xỉ 10%. Tỷ lệ này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo của khối đại học, dạy nghề.

“Việc quy định chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi NSNN ngay trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này là một điểm nhấn quan trọng trong chính sách dành cho GD&ĐT. Tuy nhiên, cũng nên xác định lại cơ cấu ngân sách đầu tư cho giáo dục bảo đảm hợp lý hơn” - bà Hoa cho biết và đề nghị NSNN cần tập trung hỗ trợ đối tượng đặc thù; có giải pháp đẩy mạnh thực hiện chính sách chia sẻ chi phí đào tạo giữa người học và Nhà nước, từ đó để giảm bớt áp lực cho NSNN.

Bên cạnh đó, cơ cấu phân bổ ngân sách cho GD&ĐT còn một số bất cập khác, điển hình như ngân sách phân bổ cho các địa phương được thực hiện dựa trên dân số ở độ tuổi đi học căn cứ quản lý hộ khẩu. Trong khi theo các chuyên gia, thực tế cho thấy, người dân ở các khu vực nông thôn đang đổ về các đô thị, khu công nghiệp, trong khi hộ khẩu vẫn ở địa phương. Như vậy, cách định mức phân bổ ngân sách không còn phù hợp với thực tế và tạo sức ép rất lớn cho các khu vực này...

Thiếu cơ chế giám sáthiệu quả

Trên thực tế, trong khi cơ chế phân bổ ngân sách cho GD&ĐT đang được phân cấp mạnh mẽ, song do thiếu cơ chế quản lý hữu hiệu, dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực này chưa hiệu quả. Tại nhiều cuộc họp liên quan đến việc đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính cho giáo dục, đại diện các Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính đều cho biết không nắm rõ việc sử dụng nguồn lực này của địa phương. “Về cơ bản, kinh phí được giao về địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm sử dụng, đảm bảo đúng mục đích. Còn về trách nhiệm báo cáo, có đơn vị thực hiện, có đơn vị không nên Bộ không thể nắm rõ” - ông Khánh cho biết.

Cũng theo ông Khánh, ngay cả đối với các chương trình mục tiêu của ngành giáo dục, dù theo yêu cầu của chương trình, các địa phương phải báo cáo việc sử dụng kinh phí nhưng việc tuân thủ cũng rất hạn chế.

Thực tế qua công tác kiểm toán thời gian qua cũng cho thấy, tình trạng điều chuyển vốn từ chương trình mục tiêu giáo dục, chương trình kiên cố hóa trường lớp... sang chi cho các chương trình khác, tức là sử dụng vốn không đúng mục đích cũng diễn ra tương đối phổ biến. Đặc biệt, nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương dành cho GD&ĐT hiện đang được thực hiện không thống nhất giữa các địa phương.

Từ những bất cập nêu trên, kiến nghị của KTNN cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng cơ chế quản lý ngân sách theo ngành, xác định rõ vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc tham gia vào quá trình xây dựng ngân sách định kỳ, quản lý và sử dụng ngân sách dành cho giáo dục ở cả cấp T.Ư và địa phương. Đặc biệt, cần chú ý xây dựng cơ chế giám sát hữu hiệu đối với các nguồn chi cho GD&ĐT. “Cơ chế này không chỉ áp dụng riêng với nguồn chi từ ngân sách, mà các nguồn vốn viện trợ, vốn xã hội hóa cũng cần được giám sát chặt chẽ bằng những tiêu chí giám sát phù hợp” - GS,TS. Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - lưu ý.

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Bất cập trong quản lý, giám sát làm giảm hiệu quả đầu tư cho giáo dục