Lập lại kỷ cương trong hoạt động thẩm định giá

(BKTO) - Sai phạm trong việc cố ý thông đồng, câu kết, làm sai lệch kết quả thẩm định giá; doanh nghiệp từ chối thẩm định giá… là những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục bất cập, tạo chuyển biến căn bản trong hoạt động thẩm định giá.

12.jpg
Vẫn còn tình trạng sai phạm trong hoạt động thẩm định giá. Ảnh minh họa

Lợi dụng lỗ hổng pháp luật, cố tình làm sai

Thẩm định giá là dịch vụ tư vấn tài chính về xác định giá trị tài sản, là yếu tố quan trọng góp phần làm minh bạch, thúc đẩy hiệu quả thị trường và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của Nhà nước, tổ chức và công dân. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, còn tình trạng một số dịch vụ thẩm định giá sai phạm trong việc cố ý thông đồng, câu kết, làm sai lệch kết quả thẩm định giá. “Thực tế cho thấy, các công ty thẩm định giá không những có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế mà trong các vụ án, sai phạm xảy ra vừa qua, vai trò của công ty này cũng rất quan trọng, có trách nhiệm hoặc thậm chí là tiếp tay trong việc "dìm" giá hoặc "nâng" giá” - đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nêu.

Trước thực trạng này, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về giải pháp nhằm tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của người dân trong việc chống tiêu cực, lợi ích nhóm đối với lĩnh vực giá.

Trong khi đó, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn TP. Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và hướng giải quyết tình trạng nhiều doanh nghiệp thẩm định giá từ chối thẩm định giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và tính giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, có nhiều nguyên nhân, có thể do công việc quá tải, hay đơn vị thẩm định ngại rủi ro về mặt pháp lý, do năng lực kém, hoặc quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, dễ xảy ra sai sót… Chẳng hạn, trong phương pháp định giá thì các phương pháp cơ bản là xác định chi phí, giá thị trường, xác định theo tiêu chí thẩm định giá của doanh nghiệp… song các tiêu chí xác định giá vẫn chưa đồng nhất quan điểm. Hay quá trình xác định thiệt hại trong vụ án hình sự cũng rất rủi ro, do đó, rất cần sự giải thích thống nhất. Ngoài ra, không loại trừ một số công ty thẩm định giá cấu kết với doanh nghiệp nâng giá thì phải bị xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhìn nhận, những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai, làm ảnh hưởng đến quá trình xác định giá; song một phần cũng do văn bản pháp luật vẫn có lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá lợi dụng.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã kiểm tra định kỳ 13 doanh nghiệp thẩm định giá và xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp. Năm 2023, Bộ kiểm tra định kỳ 20 doanh nghiệp và xử phạt vi phạm hành chính 7 doanh nghiệp; đồng thời, thu hồi 26 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đình chỉ kinh doanh đối với 16 doanh nghiệp thẩm định giá.

Hình thành cơ sở dữ liệu về giá, nâng cao chất lượng thẩm định viên

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, để nâng cao chất lượng thẩm định giá, việc thực hiện kiểm tra chéo, siết chặt quản lý, nâng cao tiêu chuẩn là cần thiết. Đây cũng là một trong nhiều nội dung để đảm bảo chất lượng thẩm định giá, đồng thời dự phòng trường hợp các công ty không có chức năng thẩm định giá, nhưng bỏ tiền để trở thành cổ đông chính trong công ty thẩm định giá, biến công ty thẩm định giá thành công cụ, làm mất tính độc lập trong hoạt động thẩm định giá.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực thẩm định giá, để kịp thời trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn (2 nghị định, 11 thông tư liên quan đến lĩnh vực thẩm định giá). Trong đó, Bộ sẽ ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam (thay thế cho Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam) quy định và hướng dẫn đầy đủ về nghiệp vụ đối với dịch vụ thẩm định giá, đảm bảo có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. “Luật Giá năm 2023 đã khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Giá năm 2012 với nhiều nội dung mới nhằm ngăn chặn tình trạng kê khai giá không chính xác, phát hành thẩm định giá khống, tình trạng cấu kết của thẩm định viên với đối tác để nâng giá...” - Bộ trưởng nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, duy trì các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá…

Quan tâm đến việc tạo cơ sở dữ liệu cho hoạt động thẩm định giá, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, theo Luật Giá thì việc khai giá và hình thành cơ sở dữ liệu về giá là một công cụ quan trọng để quản lý thị trường giá lành mạnh và minh bạch. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để tạo ra nguồn dữ liệu cho việc thẩm định giá. Thực tế trong thời gian qua, nhiều cơ quan thẩm định giá từ chối không thẩm định là vì không có cơ sở dữ liệu chắc chắn.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu về việc cần xây dựng cơ sở dữ liệu về giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Cục Giá đã xây dựng dữ liệu về giá và đã cấp 824 tài khoản để khai thác cơ sở dữ liệu trong dữ liệu giá của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây mới chỉ là nền tảng đầu tiên, còn để xây dựng dữ liệu giá một cách đồng bộ thì công tác thu thập, thống kê, lưu giữ là hết sức quan trọng. “Sở Tài chính các tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan phải chuyển giá đến Bộ Tài chính để Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu về giá. Khi có cơ sở dữ liệu về giá tốt thì chúng ta sẽ quản lý giá rất tốt” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng thống nhất ý kiến của đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị), cho rằng yếu tố con người có vai trò quan trọng nhất trong thẩm định giá, kết quả thẩm định giá phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ thẩm định viên về giá. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tăng cường nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ làm công tác thẩm định giá, để thẩm định viên có tinh thần trách nhiệm, có đạo đức, nắm chắc luật pháp, thông thạo nghề nghiệp; đồng thời, vận dụng công nghệ, dữ liệu một cách chặt chẽ, thận trọng, toàn diện; từ đó đưa công tác thẩm định giá đi vào nền nếp, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Cùng chuyên mục
Lập lại kỷ cương trong hoạt động thẩm định giá