Lập lại kỷ cương trong quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất

PHỐ HIẾN - TRẦN HUYỀN | 07/11/2024 11:15

(BKTO) - Cùng với việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa chính sách, pháp luật về đất đai, đặc biệt là các quy định về tài chính liên quan đến đất đai vào cuộc sống, các chuyên gia kỳ vọng, với sự vào cuộc trách nhiệm, kịp thời của cơ quan thanh tra, kiểm toán, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất ngày càng được “thắt chặt”, từ đó phát huy hiệu quả của nguồn lực đất đai.

sua_7.jpg
KTNN có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh những bất cập trong công tác quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Ảnh: H.THÀNH

Lấp lỗ hổng chính sách…

Từ ngày 31/10/2024, TP. Hồ Chí Minh chính thức áp dụng Bảng giá đất mới theo Quyết định số 79/2024/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 quy định về bảng giá đất trên địa bàn. Thành phố áp dụng việc điều chỉnh bảng giá đất mới trên địa bàn được các chuyên gia đánh giá là cần thiết giúp thay đổi thói quen bán nhà “hai giá” tồn tại nhiều năm qua, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi tính thuế và làm thất thu ngân sách. “Dù bảng giá mới cũng chỉ phản ánh được khoảng 50-70% giá trị giao dịch thực tế, nhưng cũng cho thấy nỗ lực để đưa giá đất về gần với thị trường, từ đó làm giảm nguy cơ thất thoát nguồn thu từ đất” - chuyên gia Huỳnh Phước Nghĩa (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cho biết; đồng thời đánh giá bảng giá này sẽ là bước đệm để từ năm 2026, Thành phố ban hành giá đất mới theo đúng quy định của Luật Đất đai 2024.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, khi áp dụng bảng giá đất điều chỉnh, các khoản lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ được công khai, minh bạch, công bằng. Ngoài ra, các khoản xử phạt hành vi vi phạm về đất đai cũng tăng lên, góp phần răn đe, làm trong sạch, lành mạnh thị trường bất động sản.

Câu chuyện của TP. Hồ Chí Minh trong ban hành bảng giá đất điều chỉnh cũng chính là một trong những giải pháp nhằm “bịt” lỗ hổng trong chính sách về đất đai, đặc biệt là vấn đề tài chính đất như tiền thuê, tiền sử dụng đất mà các cơ quan chức năng, trong đó có Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra. Qua kiểm toán, KTNN nêu rõ tình trạng giao đất không thông qua đấu giá; việc thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong ưu đãi đầu tư; phương pháp tính giá đất… theo Luật Đất đai 2013 có bất cập. Trong khi Luật Đất đai là luật gốc và chính sách về đất đai có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, nên những bất cập này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế, trực tiếp là gây thất thu ngân sách.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chính sách về đất đai, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024; Chính phủ cùng các ngành chức năng đang khẩn trương xây dựng, đưa các văn bản hướng dẫn thi hành đi vào cuộc sống. “Với hệ thống các quy định mới được kỳ vọng sẽ khắc phục những khó khăn còn tồn tại của Luật Đất đai 2013 nói chung và những quy định liên quan đến vấn đề quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất nói riêng” - lãnh đạo KTNN khu vực I cho biết.

Để cụ thể hóa quy định về tài chính đất đai theo Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thay thế các Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định này đã quy định cụ thể về việc tính, thu, nộp, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; xử lý chuyển tiếp về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất. Đồng thời, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần khuyến khích việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất; khuyến khích đầu tư, huy động hiệu quả nguồn thu từ đất đai vào ngân sách nhà nước.

Kỳ vọng vào Nghị định số 103/2024/NĐ-CP, song theo các chuyên gia, đất đai là lĩnh vực bao trùm, rất rộng, nên việc chỉ dùng nghị định để điều chỉnh vấn đề về tài chính đất đai là chưa đủ. Do đó, cần hướng tới xây dựng Luật Thuế sử dụng đất; trong đó chú trọng xây dựng khung pháp lý xử phạt và thu hồi các diện tích đất dự án đã được bàn giao nhiều năm nhưng không sử dụng, tránh đầu cơ đất; xây dựng cơ chế điều chỉnh khung giá đất hằng năm phù hợp với diễn biến thị trường; khuyến khích giao đất sử dụng hằng năm, hạn chế giao đất 1 lần…

Vấn đề quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cần thực hiện nhiều việc, song xây dựng cơ chế chính sách điều tiết thị trường bất động sản, trong đó có Luật Thuế sử dụng đất là cần thiết, góp phần quan trọng trong công tác quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2024.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường
(Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội)

Tăng cường thanh, kiểm tra, đảm bảo thực thi nghiêm pháp luật về đất đai

Nhằm sớm đưa chính sách, pháp luật về đất đai vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành văn bản và chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương rà soát các quy định của pháp luật về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế khi áp dụng Bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng sử dụng đất.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán để qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm trong quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Qua thực tiễn giám sát, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) nêu rõ, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến đất đai như: Giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định giá đất; quy hoạch... Do đó, đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác này trong thời gian tới, qua đó kịp thời phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Đánh giá cao vai trò của KTNN trong việc phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh những bất cập trong công tác quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, vừa qua, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, KTNN cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm toán; thẳng thắn chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân có vi phạm để kiến nghị xử lý, lập lại trật tự, kỷ cương. Đặc biệt, cần “tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, thống nhất đầu mối quản lý tài sản công; đẩy mạnh phân cấp để địa phương chủ động quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử” - đại biểu đề xuất.

Có thể nói, trong những năm gần đây, với sự vào cuộc của các ngành chức năng, công tác quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đã từng bước có sự chuyển biến theo hướng minh bạch hơn và ngày càng tuân thủ kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách./.

Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán viên có cần trở thành chuyên gia dữ liệu?
    7 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Các cuộc kiểm toán trong tương lai có thể khác xa so với cuộc kiểm toán truyền thống và kiểm toán viên buộc phải sử dụng phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn về doanh nghiệp, xác định rủi ro cũng như đưa ra những tư vấn phù hợp giúp gia tăng giá trị kinh doanh.
  • Tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu qua góc nhìn kiểm toán
    8 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Thời gian qua, nợ xấu trở thành vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô. Giai đoạn 2011-2015 và trong vài năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều ngân hàng thương mại đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh khoản. Do đó, việc tái cấu trúc ngân hàng để tránh đổ vỡ hệ thống và sự đổ vỡ của nền kinh tế là hết sức cần thiết.
  • Bài 2: Tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước phát huy hết tính chủ động
    8 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) làm đại diện chủ sở hữu tại 19/143 doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. 19 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) này chiếm 65,3% tổng doanh thu của 143 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2023; tổng số lỗ phát sinh của 1/19 TĐ, TCT này cũng chiếm gần trọn vẹn tổng số lỗ của 143 DN... Việc quản lý và sử dụng vốn tại các TĐ, TCT thuộc UBQLV đang đặt ra một số vấn đề như: Chưa thực sự phát huy hết tính chủ động, vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN chưa được làm rõ...
  • Đẩy mạnh kiểm toán môi trường trong ASEAN vì mục tiêu phát triển bền vững
    8 ngày trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Theo chia sẻ của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI), các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên đều đang đẩy mạnh hoạt động kiểm toán môi trường nhằm chung tay bảo vệ môi trường, hướng đến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản trị công.
  • Nỗ lực tạo chuyển biến trong theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán
    8 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký Quyết định số 04/VBHN-KTNN ngày 28/10/2024 ban hành Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (KL, KNKT) của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Theo ông Hoàng Văn Lương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Quy định này nhằm đảm bảo việc thực hiện KL, KNKT hiệu quả hơn, chất lượng hơn.
Lập lại kỷ cương trong quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất