Thị trường tiềm năngnhưng cạnh tranh lớn
Số liệu dẫn ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 được tổ chức ngày 15/12 cho biết, ngành logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ 15-16%/năm. Năm 2016, tổng chi phí logistics của Việt Nam là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP. Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước, đứng thứ 4 ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Mặc dù được đánh giá khá cao như vậy nhưng theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) - các DN Việt Nam chủ yếu cung cấp các dịch vụ logistics nội địa như vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, khai báo hải quan, giám định, kiểm nghiệm, bốc dỡ hàng hóa… Ngoài ra, các DN nội địa đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế thông qua việc làm đại lý cho các DN nước ngoài là các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế, các chủ hàng, chủ tàu...
Tính tổng thể, Việt Nam có khoảng 3.000 DN logistics, trong đó, khoảng 1.300 DN tham gia tích cực vào thị trường. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là tỷ lệ thuê dịch vụ logistics bên ngoài chiếm khoảng 35-40%, nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với các nhà sản xuất và các nhà xuất nhập khẩu.
Các tham luận tại Diễn đàn chỉ ra rằng, điểm yếu của ngành logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ cao, chất lượng cung cấp dịch vụ còn thấp, tiềm lực tài chính hạn chế, trong khi điều kiện thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt. Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho biết, tính theo tỷ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%.
Hơn nữa, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan chưa có sự kết nối chặt chẽ, cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực.
Một nguyên nhân quan trọng hơn cả được lãnh đạo VLA đưa ra là logistics Việt Nam không có đầu mối nguồn hàng, bởi khoảng 91% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu theo hình thức FOB (giá tại cửa khẩu xuất hàng, chưa bao gồm chi phí bảo hiểm và vận chuyển) và nhập khẩu theo hình thức CIF (giá tại cửa khẩu nhập hàng, đã bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển).
“Yêu cầu cấp bách hiện nay là giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Động lực phải từ cơ chế,chính sách
Ngày 14/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg thông qua Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Các chuyên gia đánh giá rằng, kế hoạch hành động logistics toàn diện quốc gia lần đầu tiên được đưa ra sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho ngành logistics. “Từ khi có Quyết định 200, nhận thức của xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước và DN về vai trò và vị trí của ngành dịch vụ logistics - ngành mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế nói chung và thương mại nói riêng - đã được nâng lên một tầm cao mới” - Chủ tịch VLA nhận định.
Theo ông Phạm Minh Đức - Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB: “Dư địa để Việt Nam cải thiện chính sách, thúc đẩy ngành logistics phát triển còn rất lớn”. Ông Đức khuyến nghị, Việt Nam có thể giảm chi phí phi thuế quan vốn đang cao hơn so với mức trung bình của ASEAN bằng cách thực hiện một chương trình 4 trụ cột. Cụ thể gồm: thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại bằng cách đơn giản hóa các quy định hải quan và quản lý chuyên ngành; nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng thương mại và chất lượng kết nối; xây dựng ngành dịch vụ loigstics có tính cạnh tranh; tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác với khu vực tư nhân.
Khuyến nghị này được đưa ra từ kết quả khảo sát của WB: thời gian tuân thủ thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu chiếm tới 76% tổng thời gian nhập khẩu. Trong khi đó, thời gian xếp dỡ tại cảng và bến bãi chỉ chiếm 14%, thời gian vận tải và xếp dỡ nội địa chỉ chiếm 10%. Hơn nữa, hiện vẫn có quá nhiều cơ quan tham gia quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu với hơn 300 biện pháp được áp dụng, trong đó, 72% các biện pháp tập trung tại 3 Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Nhận thức rõ động lực từ chính sách, trong Báo cáo logistics Việt Nam 2017 vừa mới phát hành, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị, ngay trong năm 2018, các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội, DN logistics nên tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nội dung trong Quyết định 200. Đồng thời, cần tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics, chú trọng xây dựng các trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế...
QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 21-12-2017