Lựa chọn chuyên đề mới, tăng cường kiểm toán hoạt động về đầu tư công

THÀNH ĐỨC – PHỐ HIẾN | 19/10/2023 05:57

(BKTO) - Theo bà Vũ Hoàng Quyên – Chuyên gia kinh tế và quản trị cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần tăng cường kiểm toán hoạt động với những chuyên đề mới, mang tính chuyên sâu về đầu tư công, như chuyên đề về liên kết vùng, khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu…

dsc_3743.jpg
Bà Vũ Hoàng Quyên: KTNN cần tăng cường kiểm toán hoạt động về đầu tư công. Ảnh: Nguyễn Lộc

Đầu tư công cần cả “liều lượng” và “chất lượng”

Tại Hội thảo chuyên đề: “Đầu tư công – Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của KTNN”, bà Vũ Hoàng Quyên đặt vấn đề: “Chúng ta nói rất nhiều đến “liều lượng” đầu tư công. Câu hỏi đặt ra: Đầu tư công có cần phải duy trì “liều lượng” lớn không?”

Chúng ta cần thấy rằng, giai đoạn tích lũy vốn của Việt Nam vẫn còn khá dài ở chặng đường trước mắt. Bài học từ các nền kinh tế có những bước tăng trưởng thần kỳ và thành công, đặc biệt là những nước trong khu vực châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia cho thấy: Các quốc gia này vẫn duy trì liên tục một mức đầu tư công trên GDP tối thiểu là 7% từ 25 đến 30 năm và tích lũy vốn đầu tư vẫn là chỉ số quan trọng nhất trong giai đoạn phát triển thần kỳ của họ.

Việt Nam cũng đã có những thay đổi vượt bậc nhưng vẫn đang ở giai đoạn khó khăn. Để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, hướng tới mục tiêu thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải làm thế nào để không những duy trì được mức độ tích lũy vốn hiện nay mà còn phải tăng cường hiệu quả sử dụng vốn.

Hiện nay, việc đánh giá hiệu quả đầu tư công có rất nhiều phương pháp nhưng một phương pháp đơn giản nhất và đã được sử dụng nhiều năm qua là dựa vào chỉ số ICOR (Chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư). Tất cả những nền kinh tế có tốc độ phát triển thần kỳ, trong giai đoạn tăng trưởng, họ luôn duy trì được chỉ số ICOR tốt. Chính vì vậy, Việt Nam cần cải thiện ICOR, bởi đây là thước đo hiệu quả đầu tư công.

Gỡ điểm nghẽn để nâng cao hiệu quả đầu tư công

Việt Nam phân cấp ngân sách rất cao cả về mặt tài chính lẫn thủ tục. Việc phân cấp này có những ưu điểm nhưng nó cũng dẫn đến nhiều khó khăn, từ việc phân bổ cho đến việc thực hiện lượng phân bổ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả phân bổ cũng như việc triển khai các dự án của Việt Nam. Hạn chế này xuất phát từ những điểm nghẽn trong Luật Ngân sách nhà nước cũng như cơ chế phối hợp giữa các địa phương.

Một vấn đề nữa là quản lý đầu tư công của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, từ khâu lập kế hoạch cho đến khâu thiết kế, thực hiện. Chưa kể, tất cả những câu chuyện về định mức, đơn giá cũng còn có nhiều điểm hạn chế, cần phải khắc phục và có những thay đổi căn bản.

dau-tu-cong.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo bà Quyên, đầu tư công có 3 điểm nghẽn chính cần phải được tháo gỡ. Thứ nhất, quy trình phê duyệt dự án, chất lượng đầu vào chưa được tốt. Việt Nam nên chủ động hơn trong khâu chuẩn bị, tách giấy phép về mỏ khai thác khoáng sản, lập kế hoạch khai thác các nguyên liệu. Nên học hỏi Trung Quốc, quốc gia này đã xây dựng hệ thống quy hoạch tài nguyên khoáng sản rất tốt, từ công tác kế hoạch sử dụng tài nguyên, đi kèm là cấp phép…

Thứ hai, cách thức lập kế hoạch đấu thầu còn có những điểm chưa tốt, chưa theo kịp thông lệ quốc tế. Yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là phải thiết kế được công tác lập kế hoạch đấu thầu chiến lược dựa trên những thông tin phân tích thị trường như dữ liệu đánh giá của toàn bộ những gói thầu mà chúng ta đã làm và dựa trên việc đúc rút những kinh nghiệm từ giai đoạn trước.

Thứ ba, việc tổ chức triển khai các dự án vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế, cùng một thể chế, chính sách, có những đơn vị, địa phương quản lý tốt nhưng cũng có những đơn vị, địa phương bộc lộ nhiều yếu kém, chậm trễ.

Điều quan trọng là chúng ta phải tập trung vào những nơi yếu kém hơn để có giải pháp xử lý. Việc đó phải dựa trên thông tin, dữ liệu, đánh giá, cập nhật thường xuyên. Do đó, các cơ quan Trung ương, địa phương cần tận dụng nhiều hơn các thông tin, dữ liệu từ các hệ thống thông tin hiện nay đã có, ví dụ như hệ thống TABMIS hay hệ thống quản lý dự án đầu tư công của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam nên áp dụng thêm công nghệ để giám sát việc triển khai các dự án.

Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt vấn đề về liên kết vùng, đưa ra khái niệm mới: 4 vùng động lực hay là liên kết theo hành lang kinh tế. Hiện vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn về mặt pháp lý, cơ chế cho liên kết vùng. Quốc hội đang xây dựng một luật để sửa nhiều luật và chúng ta kỳ vọng Luật này sẽ xử lý được vướng mắc trong liên kết vùng để việc liên kết đầu tư được thuận lợi.

Đề xuất kiểm toán những chuyên đề mới

Nhấn mạnh về vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực đầu tư công, đại diện WB khuyến nghị: KTNN cần tăng cường kiểm toán hoạt động với chuyên đề mang tính chuyên sâu về đầu tư công.

Nhiều năm qua, KTNN thực hiện kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính với phạm vi ngày càng được mở rộng. Về kiểm toán hoạt động, KTNN cũng đã có những chuyên đề rất hay để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội.

Trong thời gian tới, KTNN có thể nghiên cứu kiểm toán chuyên đề về đầu tư công gắn với mục tiêu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, trong đó lưu ý chuyên đề về liên kết vùng hay đầu tư công để khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, các chương trình mục tiêu quốc gia…

Khi chỉ ra những nút thắt trong đầu tư công, KTNN nên có thêm số liệu để minh họa, dẫn chứng. Cần lựa chọn những vấn đề trọng tâm để đánh giá.

Bà Vũ Hoàng Quyên - Chuyên gia kinh tế và quản trị cấp cao của WB

Cũng theo bà Quyên, các “căn bệnh” trong đầu tư công được đề cập rất nhiều. Vấn đề đặt ra là khi “bệnh” nhiều quá, gỡ cái nào trước, cái nào sau, điều quan trọng đối với KTNN là cần lựa chọn, tập trung đánh giá mang tính chuyên sâu những vấn đề, những hạn chế đáng lưu tâm với các số liệu, dữ liệu cụ thể, chỉ ra điểm nghẽn chính, gợi mở hướng xử lý.

Một vấn đề nữa là từ nhiều trường hợp đánh giá, nhiều dự án và từ kinh nghiệm các Bộ, ngành, địa phương, KTNN cần có tổng kết về cơ chế, chính sách, đưa ra khuyến nghị giúp thay đổi căn bản hệ thống chính sách. Cần chủ động hơn, thực chứng hơn để có những kiến nghị góp phần xử lý, tháo gỡ những vướng mắc trong quy trình lập ngân sách, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, phân bổ ngân sách, quy trình lập kế hoạch đấu thầu chiến lược cũng như điều chỉnh dự án…/.

Cùng chuyên mục
Lựa chọn chuyên đề mới, tăng cường kiểm toán hoạt động về đầu tư công