Lựa chọn thế mạnh để phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo Việt Nam

(BKTO) – Đây là một trong những vấn đề trọng tâm được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức.



                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Bộ VH,TT&DL

   

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các điểm cầu là các địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Lâm Đồng… Sự kiện nằm trongkhuôn khổ Kế hoạch xây dựng Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO do Bộ VH,TT&DL được Chính phủ giao chủ trì thực hiện và nhằm thiết thực hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Theo Kế hoạch, Đề án sẽ tập trung nghiên cứu tiềm năng, lợi thế về sáng tạo vì sự phát triển bền vững của một số thành phố của Việt Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Hạ Long (Quảng Ninh), Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Đà Lạt (Lâm Đồng) từ đó đánh giá tổng hợp tính khả thi của việc hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO.

Theo bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL), mạng lưới "Các Thành phố sáng tạo UNESCO" được thành lập năm 2004, hiện có 246 thành phố thành viên, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Tại Đông Nam Á, có hơn 10 thành phố sáng tạo, chủ yếu trong lĩnh vực thủ công nghiệp, thiết kế và Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam vinh dự gia nhập mạng lưới sáng tạo vào tháng 10/2019. Danh hiệu này tạo nên sinh lực mới cho đời sống văn hóa nghệ thuật của Thủ đô và Hà Nội là đầu tầu, hình mẫu cho các thành phố trên cả nước.

Việt Nam tham gia Công ước UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa từ năm 2007. Kể từ đó đến nay, Công ước là công cụ pháp lý quan trọng để Đảng, Nhà nước Việt Nam ban hành và thực thi hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách về thúc đẩy tự do sáng tạo và biểu đạt trong văn hóa, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với vai trò và vị trí của công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, Việt Nam có một số thành phố, đô thị như TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Hạ Long (Quảng Ninh), Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Đà Lạt (Lâm Đồng) có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm, tư vấn lựa chọn lĩnh vực, hạng mục, thế mạnh để xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo, cũng như đánh giá tiềm năng, lợi thế về sáng tạo và tính khả thi của việc hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam, nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO.

Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: Các thành phố tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO là xu hướng phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, các thành phố cần lựa chọn lĩnh vực thế mạnh, hạng mục cụ thể để xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo. Đây sẽ là yếu tố dẫn dắt thành phố phát triển trong thời gian tới cũng như việc xây dựng nên thương hiệu thành phố sẽ làm thay đổi hoàn toàn tư duy phát triển của một thành phố.

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, bà Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh đánh giá: Với lực lượng hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tập trung khá lớn, lượng công chúng đông, lượng phim điện ảnh sản xuất hàng năm lớn, doanh số chiếm 70% doanh thu điện ảnh của cả nước… TP. Hồ Chí Minh có lợi thế, tiềm năng để trở thành thành phố điện ảnh của Việt Nam, do đó cần sớm gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO để tạo thêm động lực phát triển bứt phá hơn nữa./.

N.LỘC
Cùng chuyên mục
Lựa chọn thế mạnh để phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo Việt Nam