Quy định chung chung làm giảm hiệu quả hoạt động KTNN
Nhiều nhà quản lý, các chuyên gia đều có chung băn khoăn, Luật KTNN năm 2015 đã quy định về nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan; hành vi bị nghiêm cấm đối với các đơn vị được kiểm toán và các tổ chức có liên quan… Tuy nhiên, ngoài quy định mang tính nguyên tắc còn rất chung chung tại Điều 71 (cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về KTNN thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật), hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể để xử lý các hành vi vi phạm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan nên không có cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm.
Bà Phạm Thị Thu Trang - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi - nêu thực tế: Từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực, mặc dù hoạt động KTNN có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng song vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm nhất là hiệu lực thực hiện các kiến nghị kiểm toán tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, làm thất thu NSNN. Việc thực hiện kiến nghị về sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh, làm giảm hiệu quả hoạt động KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật.
Còn thiếu những quy định để xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Ảnh: Thanh Tùng
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo đại biểu Trang, là do pháp luật hiện hành còn thiếu những quy định cụ thể, nhất là những quy định liên quan đến việc xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu cho KTNN.
Luật cũng chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với đơn vị được kiểm toán, dẫn đến sự phối hợp trong hoạt động, cung cấp, xác nhận thông tin chưa kịp thời, gây khó khăn cho hoạt động của KTNN.
Nhìn nhận vấn đề này dưới góc nhìn của một chuyên gia, ThS. Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) - nhấn mạnh thêm, trên thực tế, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN xảy ra khá nhiều và mang tính đặc thù cao nhưng đến nay, hệ thống pháp luật về KTNN lại thiếu những quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm, trong đó có chế tài xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, làm ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN.
Hoàn thiện pháp luật về xử lývi phạm trong lĩnh vực KTNN
Để hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, ThS. Đặng Thanh Sơn đề nghị, KTNN rà soát, nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để làm căn cứ cho việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Cụ thể là đề xuất Quốc hội tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và Luật KTNN. Đối với Luật XLVPHC, cần bổ sung một số quy định liên quan như: mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các chức danh trong KTNN; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN... Đối với Luật KTNN, cần bổ sung thẩm quyền xử lý các vi phạm của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các chức danh thuộc KTNN.
Trên cơ sở sửa đổi quy định của Luật XLVPHC và Luật KTNN, đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN theo hướng: quy định đầy đủ hành vi vi phạm cũng như xác định, phân định rõ đối tượng bị xử phạt và các hành vi không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật XLVPHC, bảo đảm không trùng lặp với các hành vi tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự; quy định thẩm quyền xử phạt của từng chức danh thuộc KTNN đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể…
Đồng tình quan điểm này, một số ý kiến đề nghị, cần quy định rõ ngay trong Luật KTNN: Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; đồng thời quy định rõ mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.
Nhấn mạnh quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện, PGS.TS Chúc Anh Tú - Học viện Tài chính - đề xuất, cần bổ sung quy định về những chế tài mà KTNN được áp dụng nhằm bắt buộc thực hiện kết luận kiểm toán để nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán.
NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 10/5/2018