Để kịp tiến độ công việc, các KTV làm việc trong cả điều kiện mưa gió… . Ảnh: NGUYỄN LỘC
In dấu chân trên dặm dài đất nước
“Địa hạt” 135 được nhắc đến ở đây nằm trong Chương trình Kiểm toán Dự án các công trình hạ tầng quy mô nhỏ thuộc Chương trình 135-II năm 2015 của 09 tỉnh do Chính phủ Ailen viện trợ.
Không chỉ được biết đến là những vùng đất có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, người dân còn đói vào mùa giáp hạt, nơi các Kiểm toán viên (KTV) Nhà nước đến kiểm toán còn có bề dày truyền thống cách mạng. Đó là mảnh đất Quảng Trị khói lửa, vùng địa đầu Tổ quốc Hà Giang với cổng trời Quản Bạ hay Điện Biên với chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối tháng 10/2017, chúng tôi cùng một Tổ kiểm toán thuộc Đoàn kiểm toán dự án Chương trình 135 của Vụ Pháp chế lên đường đến Quảng Trị. Vượt qua chặng đường gần 600 cây số, trong điều kiện thời tiết không ủng hộ, chúng tôi đã có mặt tại đất “lửa” Quảng Trị. Cơn bão số 12 chưa qua, tin tức về cơn bão số 13 liên tục được phát trên đài, ti vi. “Thiên tai nhiều lắm! Người dân nai lưng làm, một trận bão qua quét sạch, chỉ còn nước mắt ở lại” - một cán bộ của Ủy ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị ngậm ngùi nói với chúng tôi, rồi chỉ tay lên bản đồ chi chít những chấm đỏ, vị cán bộ tiếp lời: “Điểm đỏ là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng từ bão số 12, nhiều nơi còn ngập trong nước…”.
Hành trình vượt hàng trăm cây số đến Vĩnh Ô - xã miền núi nghèo nhất của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã gặp trở ngại. Trận mưa trắng trời kéo dài cả tháng đã cô lập hoàn toàn tuyến độc đạo dẫn tới đây, khiến các KTV không thể tiếp cận để đánh giá thực tế.
Cùng thời điểm đó, một Tổ kiểm toán khác cũng đang miệt mài với công việc trên mảnh đất Điện Biên anh hùng. KTV Nguyễn Huy Cung cho biết, hạ tầng giao thông khó khăn, bị chia cắt chính là rào cản lớn với việc thoát nghèo nơi đây. Trong chuyến đi kiểm toán vừa qua, để tới được công trình giao thông bản Trung Phu - Ho Cớ (xã Na Son, huyện Điện Biên Đông), các KTV phải đi mất nửa ngày đường. “Có những đoạn leo dốc, xe phải bò số 1 mà vẫn ì ạch, có đoạn xe lồng lên như ngựa” - anh Cung kể.
Còn với KTV Đỗ Văn Thắng: Đến với các công trình 135, cảnh vượt cổng trời, bám lưng núi, vách đá cheo leo là không tránh khỏi. Như chuyến kiểm toán công trình “Nối tiếp và nâng mương Nà Lến - Bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát” (tỉnh Thanh Hóa), để vào đến đây, các KTV gần như phải cuốc bộ cả ngày trên những cung đường khúc khuỷu.
Gian nan, vất vả là thế nhưng các Đoàn kiểm toán đã vượt qua tất cả để đến với “địa hạt” 135 với quyết tâm và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Gửi gắm tâm huyếttrong từng cuộc kiểm toán
Dù các dự án trên “địa hạt” 135 có quy mô nhỏ, mức đầu tư không lớn, nhưng không vì thế mà các KTV lơ là, xem nhẹ nhiệm vụ được giao. Bởi, theo KTV Nguyễn Trung Thiện, dự án tuy nhỏ nhưng ý nghĩa mang lại rất lớn.
Trường học, cầu, đường giao thông nông thôn, thủy lợi… đều là những công trình cấp thiết cần được xây dựng tại các bản, làng vùng cao. Nhưng vì thiếu vốn, điều kiện địa hình quá hiểm trở nên đến nay, các công trình đó từng là ước mơ vắt qua nhiều thập niên của các xã 135. Vì thế, nguồn viện trợ của Chính phủ Ai-len dành cho các công trình, dự án tại các xã này đã góp phần giảm bớt khó khăn, thiếu thốn cho cuộc sống của người dân nơi đây. Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tại tỉnh Hà Giang. Mỗi dự án có mức đầu tư trên dưới 2 tỷ đồng, nhưng hiệu quả mà các công trình mang lại rất lớn. Sự xuất hiện của các dự án nước sạch đã góp phần giải cơn khát bao đời nay của đồng bào tại 4 huyện vùng cao nguyên đá Hà Giang với 3/4 diện tích là núi đá.
Không ai khác, chính KTV đã góp một phần quan trọng vào hiệu quả của công trình, thông qua việc kiểm tra, giám sát, khảo sát, xác nhận và đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả, giảm thiểu tới mức thấp nhất những sai sót trong quá trình thực hiện dự án. Nói như Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang Hoàng Đức Tiến: “Công tác kiểm toán giúp địa phương thấy được trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư”.
Chỉ với 5 thành viên, Đoàn kiểm toán đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, trải dài từ cực Bắc đến gần mũi Nam của đất nước, với tinh thần và trách nhiệm cao nhất để giúp cải thiện cuộc sống người dân vùng khó khăn.
Những hành trìnhkhông mỏi…
Với chúng tôi, cảm nhận về các KTV sẽ khó đầy đủ, nếu không được tham gia và trải nghiệm hành trình ăn rừng, ở rẫy cùng Đoàn kiểm toán.
Rời vị trí lãnh đạo phòng đầy triển vọng tại một ủy ban tỉnh, chị Cầm Thị Biên tìm đến với nghề kiểm toán, nay đã được ngót chục năm. Chị chia sẻ: “Có duyên, nên nghề vận vào mình và giờ mình yêu nghề lúc nào không biết!” Rồi chị say sưa kể về những kỷ niệm trong nghề như thể chị đang dẫn dắt chúng tôi trên chính những cung đường núi non hiểm trở mà mình đã đi qua.
“Công việc của KTV là thế, cứ mải miết với những con số và ròng rã trên mọi nẻo đường đến với đồng bào thực hiện kiểm toán để thể hiện trách nhiệm với quê hương và với niềm tin nhân dân gửi gắm” - chị Cầm Thị Biên tâm sự.
Quan sát cách làm việc với sự say mê, tập trung cao độ của KTV Nguyễn Trung Thiện, ít ai biết rằng, đằng sau đó là cuộc sống còn nhiều bộn bề, thiếu thốn của anh. Hằng ngày, từ sớm tinh mơ, hai vợ chồng phải vượt gần sáu chục cây số để đến cơ quan. Nhưng với tình yêu nghề, anh vẫn vượt lên và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. “Những thứ mà nghề kiểm toán mang lại, không phải là vật chất, tiền bạc, mà đó là sự trải nghiệm, là ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, với cộng đồng và với chính gia đình, bản thân mình” - anh tâm sự.
Gói lại hồ sơ kiểm toán sau nhiều tháng gắn bó với địa bàn vùng cao, các KTV lại tất tả với hành trang sẵn sàng cho một hành trình mới.
Trên chuyến xe gập ghềnh chở các KTV đến với hành trình khác, bài hát “Những cánh chim không mỏi” của nhạc sỹ Cát Vận vang lên rộn ràng: “Mùa xuân giục giã náo nức lên đường. Dựng xây Tổ quốc nhanh chóng mạnh giầu”. Lời bài hát ấy xua tan đi bao vất vả, gian truân, nhân thêm động lực cho các KTV tiếp tục những hành trình “không mỏi” - những hành trình thầm lặng góp phần làm minh bạch, lành mạnh nền tài chính quốc gia, để đất nước ngày một phát triển, thịnh vượng, căng tràn sức xuân.
NGUYỄN LỘC