An Giang: Đưa chính sách bảo hiểm vào cuộc sống

(BKTO) Thời gian qua, BHXH tỉnh An Giang và các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang đã có nhiều mô hình hay, cách làm tiêu biểu.

bh.jpg
Trong thời gian qua, BHXH tỉnh An Giang đã có nhiều mô hình hay để đưa chính sách bảo hiểm vào cuộc sống. Ảnh minh họa: S.T

Xây dựng nhiều mô hình hay để gia tăng số người tham gia bảo hiểm

Tại huyện Chợ Mới, mô hình dân vận khéo “Ấp, chi, tổ hội BHYT kiểu mẫu” được BHXH huyện thí điểm ở Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kiến Thành. Hội Nông dân huyện triển khai mỗi xã, thị trấn 1 tổ kiểu mẫu tham gia BHXH và BHYT. Kết quả, các ấp, chi, tổ hội kiểu mẫu có 100% thành viên tham gia BHYT. Bên cạnh đó, BHXH huyện phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức 36 điểm truyền thông chính sách cho hội viên phụ nữ, duy trì “Nuôi heo đất tham gia BHXH, BHYT”, vận động, phát triển 100% hội viên tham gia BHYT; 5 tổ hội đạt kiểu mẫu (88 hội viên).

Tại huyện Châu Phú, mô hình “Ống heo tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” được BHXH huyện triển khai, thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ. Theo đó, nhiều chị em đã đăng ký tham gia thành lập “Tổ phụ nữ bỏ ống heo tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”. Qua đó, huyện đã thành lập được 26 tổ, 260 thành viên, 102 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, 246 người tham gia BHYT hộ gia đình.

Tham gia mô hình, mỗi hội viên tích góp một khoản tiền trong chi tiêu hàng ngày (ít nhất 10.000 đồng) bỏ vào ống heo. Đến kỳ sinh hoạt của chi hội phụ nữ, số tiền này được dùng để đóng BHXH tự nguyện. Cách làm đơn giản, tiện lợi này giúp chị em yên tâm, tự tin lo cho tương lai, khi về già sẽ có lương hưu và thẻ BHYT, nhờ tham gia BHXH tự nguyện ngay khi còn trẻ.

Huyện An Phú có mô hình “Mỗi đoàn viên tích cực vận động, hỗ trợ nguồn lực, người thân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT”. Theo Lãnh đạo BHXH huyện An Phú, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT không ngừng tăng...

Tại huyện Phú Tân, BHXH huyện phối hợp với Hội Nông dân huyện tích cực tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất giỏi tự giác, tích cực tham gia BHXH, BHYT để về già có lương hưu. Kết quả, trên 700 hội viên, nông dân tham gia BHXH tự nguyện (trong đó, 407 người là nông dân sản xuất giỏi, đạt 100% kế hoạch); 18.093 người mua mới, gia hạn thẻ BHYT (đạt 100%); 26 cán bộ chi hội nông dân làm công tác thu BHXH, BHYT.

Tại huyện miền núi Tri Tôn, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bà con dân tộc thiểu số chỉ cần đóng 30% (tương ứng 291.600 đồng) là có thẻ BHYT hạn dùng 12 tháng. Tuy nhiên, nhận thức về tham gia BHYT của họ chưa cao; một bộ phận người lớn tuổi lệ thuộc vào con cháu, không có khả năng tự mua BHYT. Công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ, tập quán, lối sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, được BHXH tỉnh An Giang, chính quyền địa phương hỗ trợ, BHXH huyện Tri Tôn đã tăng cường tham mưu, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Đồng thời, linh hoạt gói thu 3 tháng, 6 tháng để giảm số tiền phải đóng cùng lúc, tăng khả năng tham gia của người dân... Kết quả, BHXH huyện đã cấp thẻ BHYT cho 3.927 người, đạt 100% số người thuộc diện chưa tham gia sau khi ngừng chính sách hỗ trợ.

Phấn đấu 93% dân số tham gia bảo hiểm y tế

Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn cho biết, tính đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 1,7/1,9 triệu người tham gia BHYT, chiếm 89,44% dân số (tăng 4.650 người so với cùng kỳ năm 2023). Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu năm 2024 có 93% dân số tham gia BHYT, tỉnh cần phát triển thêm 68.004 người.

Theo đó, để phấn đấu thực hiện lộ trình BHYT toàn dân theo Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ, chỉ tiêu năm 2024 của tỉnh có 93% dân số tham gia BHYT, trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phát huy sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tham mưu cho cấp ủy quán triệt thực hiện kế hoạch đợt cao điểm; đưa kết quả thực hiện các chỉ tiêu BHXH, BHYT hàng tháng đến các chi bộ, đảng bộ cơ sở.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh sẽ kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tình hình triển khai tại các huyện, thị xã, thành phố. Sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ tiêu theo giao ước Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức đoàn thể đã ký từ đầu năm. Trong tuyên truyền, vận động, tăng cường phát huy sự phối hợp giữa 3 bên BHXH - Tổ chức dịch vụ - Ủy ban nhân dân xã, có sự tham gia của trưởng khóm, ấp.

Đồng thời, giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia. Tăng cường quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT, phát hiện và ngăn chặn các hình thức trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT; quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi người bệnh có thẻ BHYT.

Đặc biệt, BHXH tỉnh Anh Giang, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện; sáng tạo trong công tác truyền thông, duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông mới…, qua đó góp phần lan tỏa sâu rộng tính ưu việt, nhân văn của các chính sách bảo hiểm đến người dân./.

Cùng chuyên mục
An Giang: Đưa chính sách bảo hiểm vào cuộc sống