Phát triển đường sắt đô thị gắn kết với công nghiệp hóa, liên kết vùng và bảo vệ môi trường

(BKTO) - Hà Nội đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư" phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của Thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý.

dsdt.png
Hà Nội phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%. Ảnh: Nguyễn Ly

Doanh thu vận tải hành khách tăng mạnh

Theo Cục Thống kê Hà Nội, hoạt động vận tải trong quý II của Thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực cả về vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa. Cụ thể, tổng doanh thu quý II/2024 tăng 4,5% so với quý trước và tăng 14% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải và bưu chính chuyển phát tăng 13,1%.

Trong đó, số lượt hành khách vận chuyển tháng 6 ước đạt 36,1 triệu lượt người, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 1.046 triệu lượt người.km, tăng 0,3% và tăng 9,9%; doanh thu ước tính đạt 1,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% và tăng 17,9%.

Ước tính quý II/2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 106,1 triệu lượt người, tăng 5,6% so với quý trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 3,1 tỷ lượt người.km, tăng 3,9% và tăng 10%; doanh thu đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% và tăng 17,8%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 206,5 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 6,1 tỷ lượt người.km, tăng 17,5%; doanh thu đạt 10,9 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6%.

Đối với vận tải hàng hóa, khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 6 ước tính đạt 135,4 triệu tấn, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 13 tỷ tấn.km, tăng 0,3% và tăng 11%; doanh thu ước tính đạt 7,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% và tăng 13,5%.

Ước tính quý II, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 404,5 triệu tấn, tăng 3,2% so với quý trước và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 39 tỷ tấn.km, tăng 1,4% và tăng 11,5%; doanh thu đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 14,3%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 796,4 triệu tấn, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 77,4 tỷ tấn.km, tăng 14,1%; doanh thu đạt 45,2 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9%.

Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải tháng 6 ước tính đạt 7,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý II đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 7% so với quý trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu đạt 44,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát tháng Sáu ước tính đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu quý II đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với quý trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu đạt 6,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%

Ngày 01/7, tại Kỳ họp thứ 17 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Phi Thường đã trình bày Tờ trình của UBND Thành phố về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô.

Theo đó, Đề án được lập trên quan điểm thống nhất nhận thức về vai trò của ĐSĐT, là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của Thành phố. Phát triển hệ thống ĐSĐT là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Phát triển ĐSĐT gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô.

Mục tiêu đặt ra là phát triển hệ thống ĐSĐT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của Thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.

Để hoàn thành mục tiêu, Hà Nội đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư". Lộ trình cụ thể như sau: phân kỳ 2024-2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 2, số 3, số 5), khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg.

Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4,6,7,8; tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,602 tỷ USD. Phân kỳ 2031-2035 hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỷ USD.

Phân kỳ 2036-2045 hoàn thành đầu tư 200,7km đường sắt đô thị các tuyến/đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD. Dựa trên thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách, vốn vay trái phiếu, vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động khác theo quy định hiện hành, Hà Nội dự kiến đến năm 2035 TP cân đối được khoảng 28,560 tỷ USD.

Đến năm 2045 có thể cân đối được khoảng 29,210 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu giai đoạn này. Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD. Cùng với việc bố trí vốn, UBND Thành phố Hà Nội cũng đề xuất được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá.

Tờ trình của UBND Thành phố cũng đề xuất 23 nhóm cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện, trong đó, về quy hoạch, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất được điều chỉnh chức năng sử dụng cho các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong các khu vực TOD, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, phát triển đô thị trong khu vực TOD. Trong khu vực TOD, TP được quyết định các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, các yêu cầu về không gian...

Trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, cho phép UBND Thành phố lập phương án tuyến, vị trí công trình tuyến ĐSĐT; quy hoạch khu vực TOD tỷ lệ 1/2000 để quản lý, dự trữ đất cho phát triển ĐSĐT và đô thị trong khu vực TOD. Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án tuyến, vị trí công trình ĐSĐT và khu vực TOD do UBND Thành phố Hà Nội quyết định.

Về thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư, Tờ trình đề nghị cho phép UBND Thành phố Hà Nội quyết định nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư độc lập. Trong đó, nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cần được quy định phù hợp với tính chất, đặc điểm của dự án. Trình tự thực hiện được phép rút gọn để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án.

Đồng thời, cho phép UBND Thành phố tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 căn cứ thiết kế sơ bộ các tuyến ĐSĐT đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt Hồ sơ thiết kế cắm cọc thu hồi đất khu vực đề-pô, tuyến và thân ga ĐSĐT.

Giai đoạn 2 căn cứ thiết kế cơ sở hoặc thiết kế FEED đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc thu hồi đất cho phần diện tích đất cần thực thu hồi đất còn lại. Cho phép UBND Thành phố quyết định chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư đối với người dân bị ảnh hưởng trong các dự án ĐSĐT của Thủ đô.../.

Cùng chuyên mục
Phát triển đường sắt đô thị gắn kết với công nghiệp hóa, liên kết vùng và bảo vệ môi trường