Lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới: Cam kết không phát sinh kinh phí

(BKTO) - Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề có hay không nguy cơ phát sinh kinh phí do lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới (CT-SGK)?



Không đảm bảo điều kiện để áp dụng

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, nguyên nhân cơ bản khiến CT-SGK bị lùi thời gian triển khai là do việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện CT-SGK mới chưa đạt yêu cầu; tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành CT mới chưa bảo đảm lộ trình đặt ra theo yêu cầu của Quốc hội. Do đó, nếu triển khai ngay từ năm học 2018-2019 sẽ khó yên tâm về chất.

Cũng theo đại diện Chính phủ, mặc dù CT giáo dục phổ thông tổng thể đã được ban hành, song vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về cơ sở lý luận, mục tiêu và nội dung chương trình, đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Một lý do khác là việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính trị, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần của Nghị quyết vừa được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII thông qua, Chính phủ cần có thời gian để chỉ đạo triển khai các nghị quyết này trong ngành Giáo dục, đánh giá tác động của chính sách đối với việc thực hiện đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông và có biện pháp giải quyết.

Theo đó, Chính phủ muốn bắt đầu triển khai áp dụng CT-SGK mới so với kế hoạch đã đề ra từ năm 2019 thay cho năm 2018. So với lộ trình ban đầu, việc bắt đầu áp dụng CT-SGK ở cấp tiểu học chậm 1 năm, cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và cấp trung học phổ thông chậm 3 năm. “Tuy nhiên, việc áp dụng CT-SGK mới vẫn bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 88 là triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học và triển khai đồng loạt tại các lớp sau 5 năm” - Tờ trình của Chính phủ nêu rõ.

Công khai, minh bạch nguồn kinh phí

Thảo luận về tờ trình của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết của việc lùi thời điểm áp dụng CT-SGK giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cân nhắc về tính khả thi của phương án điều chỉnh lộ trình như đã nêu. Đặc biệt là có hay không nguy cơ phát sinh kinh phí do lùi thời gian thực hiện CT-SGK mới, tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn kinh phí này ra sao là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin: Tổng kinh phí cho dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD. Đây là dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đối với việc xây dựng chương trình giáo dục cho đến nay mới chi tiêu 48,2 tỷ đồng (hơn 2 triệu USD). Đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới sử dụng 2,3 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng là hơn 50 tỷ đồng. “Còn lại mới đang trong quá trình kế hoạch và cam kết với Quốc hội từng năm một, chúng tôi sẽ công khai chi phí này để giải tỏa một số quan điểm chi rất nhiều tiền” - Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Đại diện Chính phủ cũng cam kết: Kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn CT-SGK theo lộ trình đã điều chỉnh cũng không phát sinh do thời gian để tất cả các lớp trên phạm vi cả nước thực hiện CT-SGK mới vẫn là 5 năm. Mặt khác, theo phương án mới, Chính phủ sẽ ưu tiên ngân sách địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư bổ sung cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm đồng bộ, đúng lộ trình triển khai áp dụng CT-SGK mới.

Nhất trí đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Điều 2 Nghị quyết số 88 để làm căn cứ cho Chính phủ thực hiện những nội dung thay đổi trên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung nội dung về trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức xây dựng và hoàn thiện CT-SGK mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành liên quan, các địa phương bảo đảm các nguồn lực cần thiết, không tăng kinh phí thực hiện đề án, nhằm chuẩn bị tốt nhất việc triển khai Nghị quyết số 88 theo đúng tiến trình mới được Quốc hội thông qua.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 09-11-2017
Cùng chuyên mục
  • 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2017) Những bài học còn nguyên giá trị
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười Nga đã chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” - nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đặc biệt hơn, giữa những ngày lịch sử tháng 11 này, toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam lại được sống, hòa chung vào không khí hào hùng của Cách mạng tháng Mười Nga cách đây tròn một thế kỷ.
  • Phát huy sức mạnh toàn dân  để “về đích” nông thôn mới
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nói xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) “về đích” nông thôn mới nhờ những điều kiện thuận lợi vốn có về mặt địa lý tự nhiên là chỉ đúng một phần. Bởi nếu không có sự đồng lòng của nhân dân toàn xã thì không thể có thành quả tự hào như ngày hôm nay!
  • Văn bản trái pháp luật: Sai sót nhiều, xử lý nhỏ giọt
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Từ năm 2005 đến nay, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã thực hiện kiểm tra hơn 3,6 triệu văn bản, phát hiện hơn 90.000 văn bản có dấu hiệu sai phạm và đã được xử lý ở các mức độ khác nhau. Thực tế cho thấy, tình trạng văn bản được ban hành trái quy định của pháp luật vẫn còn nhiều, gây bức xúc trong xã hội, song việc xử lý còn hạn chế. Đó là chia sẻ của đại diện Bộ Tư pháp tại cuộc họp báo diễn ra mới đây.
  • Bàn giao nhà tình nghĩa tại huyện Phúc Thọ - TP. Hà Nội
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thực hiện chương trình phát động của KTNN về việc xây dựng nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thể xóa nhà dột nát, xuống cấp trên địa bàn các KTNN khu vực phụ trách; ngày 06/11, Công đoàn KTNN Khu vực I đã tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Trịnh Văn Thản tại thôn Đội 3 xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội.
  • Ra mắt cuốn sách “Nước Nga - Hành trình tới tương lai”
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 02/11, tại Thư viện Hà Nội (TP. Hà Nội), cuốn sách “Nước Nga - Hành trình tới tương lai” của nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã chính thức ra mắt bạn đọc.
Lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới: Cam kết không phát sinh kinh phí