Luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

(BKTO) - Saugần một năm rưỡi nhận trọng trách “tư lệnh” ngành KTNN, đồng chí Hồ Đức Phớc -Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước - đã có cuộc trao đổi, chia sẻvới Báo Kiểm toán về suy nghĩ và những điều tâm đắc khi đảm nhận cương vị mớimà Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao phó.




Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo về kết quả kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Ảnh: TTXVN

* Xin đồng chí vui lòng chia sẻ một vài cảm nghĩ sau gần một năm rưỡi được Quốc hội tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước?

* Tính đến nay, đã gần một năm rưỡi tôi được được Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao trọng trách Tổng Kiểm toán Nhà nước. Tôi coi đây là niềm vinh dự lớn lao nhưng xác định trách nhiệm cũng hết sức nặng nề. Bản thân tôi nhận thấy, là người đứng đầu một cơ quan được hiến định độc lập, do Quốc hội thành lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý tài chính công, tài sản công, nhiệm vụ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là phải lãnh đạo xây dựng ngành KTNN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, phấn đấu đưa KTNN trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công có uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiện đại.

Năm vừa qua, với sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Kiểm toán viên và người lao động, KTNN đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó, khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

* Với tư cách người đứng đầu KTNN, thời gian qua đồng chí đã có những định hướng, chỉ đạo như thế nào để nâng cao chất lượng kiểm toán, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân?

* Có thể nói, chất lượng kiểm toán là cơ sở quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như uy tín, vai trò của KTNN. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, ngay sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong năm 2016 tôi đã ký và ban hành Chỉ thị số 769/CT-KTNN về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán và Chỉ thị số 873/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Hai Chỉ thị này đã được quyết liệt triển khai thực hiện trong toàn Ngành, đã phát huy hiệu quả tích cực nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của các cá nhân, tập thể của KTNN trong thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, tôi và tập thể Ban cán sự đảng KTNN đã chỉ đạo toàn Ngành thực hiện tốt một số giải pháp như: hoàn thiện, ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN, các quy trình kiểm toán, quy định quản lý Đoàn, Tổ kiểm toán và các văn bản pháp luật có liên quan; thống kê kết quả kiểm toán của các Đoàn, Tổ kiểm toán trong vòng 3 năm, đưa nội dung này vào sinh hoạt chi bộ, cơ quan để kiểm điểm rút kinh nghiệm; ban hành quy định chấm điểm, xếp loại các Tổ, Đoàn kiểm toán; tổ chức các cuộc giám sát và thanh tra đột xuất các Tổ, Đoàn kiểm toán, giám sát hoạt động kiểm toán thông qua nhật ký online; phát động đăng ký Cuộc Kiểm toán Chất lượng Vàng…

Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cộng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp của lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương, năm 2016 KTNN đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt 276 cuộc kiểm toán và đã kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng; trong đó tăng thu ngân sách 11.365 tỷ đồng, giảm chi 16.174 tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, KTNN đã kiểm toán giá trị DNNN trước khi cổ phần hóa, xác định tăng thêm phần vốn nhà nước là 20.818 tỷ đồng; kiểm toán 27 dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông, qua đó kiến nghị giảm thời gian thu phí là 107,4 năm. KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 150 văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước để bịt lỗ hổng pháp lý, tránh sự lợi dụng sở hở để trục lợi làm thất thoát tiền, tài sản công.

* Vai trò của KTNN đang ngày càng được người dân và dư luận quan tâm, đánh giá cao. Vậy thời gian tới, KTNN sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì để phát huy hơn nữa vai trò, uy tín của một cơ quan kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thưa đồng chí?

* KTNN là công cụ kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Đảng, Nhà nước và nhân dân, qua đó góp phần vào việc ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Những năm qua, KTNN luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Ở thời điểm này, KTNN vẫn đang tích cực đổi mới, tăng cường thu hút, tuyển chọn, đào tạo đội ngũ Kiểm toán viên vừa hồng vừa chuyên, cải tiến phương pháp, quy trình kiểm toán, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán.

Theo Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2020 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt, thời gian tới, KTNN sẽ tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, đổi mới phương pháp, quy trình, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng phương pháp hiện đại, tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ngoài việc thực hiện tốt các loại hình kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, KTNN sẽ đẩy mạnh thực hiện kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá hiệu quả, hiệu lực đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt là các chương trình, dự án lớn, trọng điểm, công trình sử dụng nguồn vốn ODA, công trình BT (xây dựng - chuyển giao), BOT; công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, đất đai, môi trường, công nghệ thông tin, thu ngân sách, cổ phần hóa DN và các lĩnh vực khác, những vấn đề quản lý nguồn lực nhà nước mà xã hội và dư luận quan tâm. Công tác kiểm toán luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, theo sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giám sát, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ.

* Một trong những nhân tố quan trọng góp phần quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán chính là đội ngũ Kiểm toán viên. Vậy theo đồng chí, nghề kiểm toán đòi hỏi mỗi Kiểm toán viên nhà nước phải có những phẩm chất gì?

* Trước hết, phải khẳng định rằng, thời gian qua KTNN đã rất chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm toán viên. Hiện tại, đội ngũ Kiểm toán viên của KTNN được đào tạo chính quy trong nước và ngoài nước từ nhiều ngành nghề khác nhau như luật, tài chính, kế toán, giao thông, xây dựng, thủy lợi, đất đai, điện, công nghệ thông tin…

Tuy nhiên, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới đòi hỏi đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Trước hết, hoạt động kiểm toán nhà nước đặt ra yêu cầu cho Kiểm toán viên phải có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp tốt. Đây là yêu cầu quan trọng nhất mà KTNN luôn đề cao, bởi hành vi đạo đức của Kiểm toán viên là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo uy tín của KTNN. Bất kỳ vi phạm nào về tư cách đạo đức hay thái độ ứng xử chưa thỏa đáng nào trong cuộc sống của Kiểm toán viên nhà nước cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và hiệu lực của hoạt động kiểm toán. Vì vậy, đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu bắt buộc đối với Kiểm toán viên nhằm làm tăng uy tín và độ tin cậy của KTNN.

Thứ hai, phẩm chất mà Kiểm toán viên nhà nước phải có là tính liêm chính, gương mẫu, bản lĩnh nghề nghiệp; phải độc lập, khách quan để không bị chi phối, tác động và làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Khi tiến hành kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước phải tuân theo pháp luật, các chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ và các quy định khác khi thực hiện kiểm toán.

Thứ ba, trình độ, năng lực và kỹ năng chuyên môn của Kiểm toán viên nhà nước chính là chìa khóa để hoạt động kiểm toán có chất lượng, đạt kết quả tốt. Cùng với chuyên môn sâu theo chuyên ngành, Kiểm toán viên phải rất am hiểu luật pháp, các quy định về kiểm toán, thực hiện thành thạo các phương pháp nghiệp vụ kiểm toán và có khả năng sử dụng phương tiện công nghệ hiện đại trong hoạt động kiểm toán. Ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Kiểm toán viên phải có kỹ năng giao tiếp, hiểu biết xã hội và văn hóa ứng xử để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, Kiểm toán viên phải thận trọng nghề nghiệp và bảo mật tốt thông tin. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Kiểm toán viên phải giữ bí mật tài liệu, số liệu kiểm toán; có thái độ hoài nghi mang tính nghề nghiệp, tác phong thận trọng, kỹ lưỡng để công việc đạt chất lượng cao. Đó là những phẩm chất, kỹ năng cần thiết để các Kiểm toán viên nhà nước có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN.

Trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng Kiểm toán Nhà nước!
BÁO KIỂM TOÁN
Cùng chuyên mục
Luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao