Lương không đủ sống, công nhân “khát” việc làm thêm

THÀNH ĐỨC - MINH LONG | 18/06/2023 17:34

(BKTO) - Doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng nhiều lao động bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Đặc biệt, khi không còn tăng ca, làm thêm giờ, đời sống của người lao động càng thêm khó khăn.

cong-nhan.jpg
Tiền lương không đảm bảo cuộc sống khiến nhiều lao động có mong muốn làm thêm giờ. Ảnh minh họa

Nỗi lo công việc bấp bênh

Đã 5 tháng nay, cả hai vợ chồng anh Nguyễn Đức Tuân, Hà Nội như ngồi trên đống lửa vì công việc bấp bênh. Vợ là công nhân may, còn anh là công nhân cơ khí. Dù công việc không bị nghỉ đứt quãng song cả hai đều không có công việc làm thêm giờ. Không làm thêm giờ, tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn 12 triệu đồng/tháng, số tiền này dù cố gắng chi tiêu tiết kiệm nhưng vẫn không đủ cho gia đình 4 người.

“Chưa khi nào mà vợ chồng tôi lâm vào tình cảnh như hiện nay, suốt 5 tháng ròng rã không có làm thêm giờ. Cuộc sống khó khăn, nghỉ không đành vì giờ đã gần 40 tuổi đi xin việc không dễ. Để tiết kiệm chi tiêu, vợ chồng tôi buộc phải gửi 2 đứa nhỏ về quê sống với ông bà”- anh Tuân giãi bày.

Theo Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), công nhân lao động chiếm khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, đóng góp trên 65% GDP của cả nước, song thực tế, mức sống, tiền lương vẫn chưa đảm bảo, điều này khiến người lao động buộc phải lựa chọn làm thêm giờ, tăng ca…

Theo Bộ LĐTBXH, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,9 triệu đồng/tháng, tăng 2,6% so với quý IV. Trong đó, ngành nghề cơ bản thâm dụng lao động như dệt may 7,2 triệu đồng/tháng, điện tử 9 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, theo đánh giá từ Bộ LĐTBXH, trước những khó khăn của người lao động,  doanh nghiệp đã có sự chia sẻ. Dù vậy, tiền lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là với nữ công nhân ở các khu công nghiệp.

Tại Hà Nội - địa phương tập trung đông công nhân, theo thống kê của Liên đoàn Lao động Thành phố, năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn tăng từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng, riêng quý I/2023 đạt 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội Lê Đình Hùng nhìn nhận, sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng những tác động từ tình hình thế giới, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đơn hàng giảm sút. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều lao động bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, đặc biệt khi không còn tăng ca, làm thêm giờ, đời sống càng thêm khó khăn.

Đảm bảo lương đủ sống

Các chuyên gia lao động, cán bộ công đoàn cho rằng, tiền lương không đảm bảo cuộc sống khiến nhiều lao động có mong muốn làm thêm giờ, còn nếu lương đủ sống, chắc chắn không ai muốn làm thêm.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội - cho biết, với mức lương tối thiểu vùng như hiện nay, người lao động không đủ chi phí tối thiểu cần thiết cho cuộc sống (như tiền ăn, thuê nhà, điện nước, đóng học cho con…) và họ bắt buộc phải làm thêm để có thêm tiền trang trải, duy trì cuộc sống hiện tại.

“Thực tế, nếu chỉ cần làm 8 giờ mà tiền lương đủ sống thì không có chuyện người lao động muốn làm thêm. Ai cũng có nhu cầu hưởng thụ cuộc sống. Bản chất vấn đề người lao động muốn làm thêm giờ là vì phải có tiền mới đủ sống, còn tiền lương thực hiện đúng theo giờ làm việc tiêu chuẩn không đủ sống”- ông Thắng nhấn mạnh.

Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng theo 4 vùng như sau: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng, vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng, vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương này được áp dụng từ ngày 01/7/2022 đến hết năm 2023.

Để có những cơ sở cho đề xuất xây dựng lương tối thiểu vùng năm 2024, trước đó, trong tháng 02/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã đề nghị các địa phương rà soát việc thực hiện lương tối thiểu vùng, từ đó có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2024.

Gửi ý kiến về Bộ, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị, khi công bố tăng mức lương tối thiểu vùng, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu như giá sữa, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống của người lao động.

Ở góc độ khác, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, trong tương lai, cần hướng đến việc làm 8 tiếng nhưng tiền lương phải đủ sống, còn thực tế hiện nay, khi không có làm thêm, hầu như công nhân rất chật vật./.

Cùng chuyên mục
Lương không đủ sống, công nhân “khát” việc làm thêm