Lương tăng, người lao động vẫn chưa hết lo

(BKTO) - Từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6%. Đây là tin vui đối với người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, nhiều lao động vẫn chưa hết băn khoăn, lo lắng…

   Ảnh minh họa. Nguồn: Internet  

Mừng nhưng chưa hết lo!

Phản ánh từ NLĐ cho thấy, việc tăng lương tối thiểu vùng ở thời điểm hiện tại giúp NLĐ bù đắp được phần nào chi phí sinh hoạt hay một chút chi phí trượt giá, ví dụ như tiền xăng xe, tiền gas…Tuy nhiên, mức lương của nhiều NLĐ vẫn chưa thực sự giúp họ hóa giải mọi khó khăn bởi áp lực giá và chi phí hiện nay quá lớn.

“Việc tăng lương từ ngày 01/7 sẽ giúp chúng tôi có thêm một khoản để chi tiêu cho gia đình. Tuy nhiên hiện nay, “bão giá” đã đẩy chi tiêu của chúng tôi lên quá cao so với lương. Vì thế, đa phần chúng tôi không hề có tích lũy, ráo mồ hôi là hết tiền”, chị Hà Thị Phương Anh - Công ty May liên doanh Plummy - bộc bạch.

Đề cập đến những khó khăn của NLĐ, bà Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May liên doanh Plummy - cho biết, tính toán với một gia đình cơ bản (2 vợ chồng, 2 con) thì mức chi phí sẽ vào khoảng 12 triệu đồng/tháng - tương ứng với thu nhập của 2 vợ chồng; chưa tính đến việc NLĐ phải chi trả tiền thuê nhà, khoản chi phát sinh trong cuộc sống.

“Thời điểm hiện tại thực sự tiền lương với NLĐ là không đủ sống. Nhiều NLĐ cuối tháng phải vay tiền để chi tiêu vì những khó khăn phát sinh trong cuộc sống”- bà Phương Anh thông tin.

Bên cạnh chi phí sinh hoạt, giá cả gia tăng, theo phản ánh của NLĐ, Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 12/6/2022 (quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 01/7/2022) không còn quy định những NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề có mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng như Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 (quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động).

“Nghị định số 38/NĐ-CPquy định tăng lương 6% nhưng không bắt buộc chủ sử dụng lao động cộng 7% lương qua đào tạo. Đây sẽ là kẽ hở để DN không cộng 7% lương cho NLĐ. Nếu trường hợp lương tối thiểu tăng 6% nhưng DN lại cắt khoản 7% qua đào tạo thì NLĐ bị âm 1%”, anh Nguyễn Văn Hòa - công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - lo lắng.

Băn khoăn quy định lương tối thiểu

Đề cập về câu chuyện tăng lương của NLĐ hiện nay, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam - TS. Vũ Minh Tiến - cho biết, khi tôi đi gặp NLĐ, công nhân, họ hay nói với tôi là bây giờ tiền lương thấp quá. Nhưng bên quản lý cho biết đã trả lương cho NLĐ cao hơn lương tối thiểu vùng. Do đó, khái niệm thế nào là mức lương tối thiểu, mức lương cơ bản, tiền lương thực nhận hay lương đóng bảo hiểm… thì cần thống nhất thêm.

“Khả năng đàm phán của công nhân rất thấp, hầu như không có, trong khi người sử dụng lao động lại đưa ra lý do mức lương căn cứ lương tối thiểu vùng cộng thêm 7 - 10% để trả cho NLĐ. Đây thường là căn cứ đóng bảo hiểm cho lao động phổ thông, còn lãnh đạo, quản lý có thể có mức lương khác” - TS. Vũ Minh Tiến cho hay.
                

   Lương tối thiểu được xây dựng dựa trên 6 nhóm yếu tố. Nguồn: Internet
   


Ở góc độ khác, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - PGS,TS. Nguyễn Thị Lan Hương - cho rằng, cách tiếp cận mức lương tối thiểu của Việt Nam trong thời gian qua chưa tối ưu nhưng là phương pháp khá tốt và dựa trên 2 nguồn số liệu rất cơ bản là điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê và điều tra lao động việc làm.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, chi phí về mức sống thấp là do NLĐ không khai báo 25 - 30% chi phí khác và họ khai chi phí tiền nhà rất thấp.

Cũng theo bà Hương, mức lương tối thiểu được xây dựng dựa trên 6 nhóm yếu tố: Nhu cầu sống của NLĐ và gia đình họ; chỉ số giá sinh hoạt; khả năng chi trả của DN; tốc độ tăng trưởng kinh tế; đặc điểm về cung cầu lao động và các chi phí xã hội khác có liên quan đến NLĐ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí đào tạo, chi trả liên quan đến các chính sách về thị trường lao động, DN tái đào tạo) chiếm đến 25 - 30% tổng chi phí liên quan đến NLĐ...

“Chúng ta chưa xây dựng được luật về lương tối thiểu. Vì vậy, mỗi năm cần đợi Hội đồng Tiền lương quốc gia họp, đề xuất tiền lương tối thiểu và thời điểm điều chỉnh. Trong khi đó, những điều chỉnh chủ yếu tập trung vào chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và chưa đánh giá toàn diện đến tăng lương tối thiểu, tăng chi phí lao động và tương quan cung - cầu lao động” - PGS,TS. Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề trả lương cho lao động qua đào tạo, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Hữu cho rằng, về nguyên tắc, Chính phủ bỏ quy định 7% là đúng để tuân thủ khái niệm về lương thị trường, những người đã học nghề muốn có lương cao hơn phải qua thỏa thuận với chủ sử dụng lao động và phụ thuộc vào cung - cầu lao động.

“Vấn đề là NLĐ và công đoàn phải có năng lực thỏa thuận. Người sử dụng lao động muốn có lao động qua học nghề phù hợp với yêu cầu công việc thì phải trả lương cao hơn thị trường. Quan trọng nhất là sự điều tiết của thị trường lao động do quan hệ cung - cầu lao động quyết định giá cả lao động, trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên” - ông Dũng cho hay./.
         

Trả lương theo thỏa thuận đã được quy định trong Điều 93 Bộ luật Lao động. Cụ thể, người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho NLĐ.
THÀNH ĐỨC - MINH LONG

Cùng chuyên mục
Lương tăng, người lao động vẫn chưa hết lo