Lương không đủ sống, người lao động chật vật mưu sinh
Theo quy định, thông thường, mức lương tối thiểu vùng được Hội đồng Tiền lương Quốc gia xem xét, điều chỉnh sau một năm thực hiện. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh nên việc tăng lương tối thiểu vùng bị trì hoãn 2 năm (từ năm 2020).
Đến năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về việc tăng lương tối thiểu vùng (Nghị định 38) và có hiệu lực ngay từ ngày 01/7/2022 thay vì 01/01 hằng năm. Dù vậy, theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như phản ánh từ các địa phương, với mức lương tối thiểu vùng hiện nay, NLĐ vẫn không đủ sống, nhất là trong bối cảnh giá điện, giá sinh hoạt thiết yếu đều tăng.
“Hiện tại, tiền điện, tiền nước, phí sinh hoạt thiết yếu đều tăng do đầu tháng 7/2023, lương cơ sở tăng. Trong khi đó, công việc của công nhân thì bấp bênh, nếu không tăng lương, chúng tôi không biết làm sao có thể trụ được”, chị Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty May Liên doanh Plummy - chia sẻ.
Lo lắng về tương lai không chỉ là nỗi lo của riêng chị Phương Anh mà là tình cảnh chung của nhiều NLĐ hiện nay.
Ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội - cho biết, năm 2022, dù thu nhập bình quân của NLĐ có tăng song mức tăng không đồng đều, đời sống của một bộ phận NLĐ vẫn khó khăn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bên cạnh đó, tình hình lạm phát khiến NLĐ phải chịu nhiều chi phí như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao..., điều này càng khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các khu công nghiệp và chế xuất.
Đặc biệt, sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản xuất kinh doanh của các DN và đời sống, việc làm của phần lớn công nhân lao động tiếp tục gặp những khó khăn.
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019, lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương tối thiểu hiện hành được áp dụng từ ngày 01/7/2022, tùy theo vùng mà có mức khác nhau, cao nhất là vùng 1: 4.680.000 đồng/ tháng và thấp nhất là vùng 4: 3.250.000/ tháng.
Cần tính toán kỹ các yếu tố
Những khó khăn về việc làm, đời sống của NLĐ khiến việc tăng lương tối thiểu được cho là cần xem xét trong bối cảnh hiện nay. Ở góc độ tổ chức đại diện NLĐ, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, thời gian qua, công đoàn đã tiến hành khảo sát về tiền lương, đời sống và nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ. “Qua những chuyến khảo sát, hầu hết ý kiến mà chúng tôi nhận được là NLĐ đều mong muốn được tăng lương tối thiểu vì cuộc sống của họ rất khó khăn, hơn nữa đây cũng là quy định đưa vào luật” - ông Hiểu thông tin.
Mặc dù vậy, trước đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, nhiều DN cho rằng, NLĐ nhận lương hằng tháng theo sản phẩm nên lương tối thiểu tăng chỉ làm tăng các khoản đóng góp của DN như bảo hiểm, phí công đoàn, thu nhập thực tế không tăng. Thêm nữa, hiện nay, hầu hết các DN vẫn đang trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu.
Tuy nhiên, theo TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, năm 2023, dự kiến năng suất lao động tăng 5 - 6%; giá cả mặt hàng thiết yếu công nhân sử dụng hằng ngày tăng cao; duy trì tỷ lệ thất nghiệp vượt ngưỡng mong đợi, 6 tháng đầu năm 2023 là 2,7%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (2,39%). Đây là cơ sở để có thể nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cho NLĐ.
Trước băn khoăn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 liệu có phù hợp khi nhiều NLĐ đang bị mất việc làm do DN thiếu đơn hàng, ông Tiến phản hồi: Những người bị mất việc không chịu tác động trực tiếp của tiền lương tối thiểu vùng mà có các chính sách trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề.
Mức lương tối thiểu vùng như hiện tại không đáp ứng được các nhu cầu sống trong thực tế. Điều này sẽ khiến cho NLĐ không thể toàn tâm, toàn ý vào công việc, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và năng suất lao động.
Từng nhiều năm tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng là nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - ông Phạm Minh Huân - cho rằng, hiện cần đánh giá việc tăng lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định 38 có tác động thế nào đến đời sống NLĐ.
Theo ông, điều quan trọng nhất là tăng lương ở DN thì gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thị trường lao động giữa cung và cầu; khả năng chi trả của DN. Cùng với đó, cần tính đến bối cảnh thị trường lao động trong nửa đầu năm 2023 khi có hơn 500.000 NLĐ bị ảnh hưởng đến việc làm, các DN cũng đang gặp thách thức lớn.
“Cần tính khía cạnh của thị trường, DN, quan điểm của Nhà nước để từ đó xem xét việc có tăng lương tối thiểu vùng hay không. Nếu tăng lương thì ở mức nào. Cố gắng thực hiện tăng lương từ đầu năm tài chính để DN còn chuẩn bị và đưa vào kế hoạch thực hiện” - nguyên Thứ trưởng lưu ý./.