“Ma trận” thủ tục đầu tư bủa vây dự án

(BKTO) - Hiện nay, để triển khai dự án đầu tư, các doanh nghiệp (DN) bất động sản vẫn phải thực hiện một “ma trận” thủ tục hành chính, gây tốn kém nhiều thời gian, chi phí, cũng như ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư kinh doanh của DN. Do đó, làm thế nào để việc triển khai thực hiện dự án không còn là một “hành trình gian nan” đối với DN đang là bài toán cần đi tìm lời giải.

du-an-2.jpg
Thủ tục triển khai dự án đầu tư còn nhiều và phức tạp. Ảnh minh họa: S.T

Doanh nghiệp phải thực hiện “rừng” thủ tục

Thời gian qua, Chính phủ có nhiều biện pháp khai thông các nguồn lực đầu tư, trong đó tập trung đôn đốc các Bộ và địa phương giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến dự án đầu tư. Theo đó, về thể chế, Chính phủ đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các quy định kinh doanh, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn trong quá trình triển khai dự án đầu tư, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, thậm chí làm đình trệ dự án.

Chỉ ra những rào cản cụ thể, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, để thực hiện dự án đầu tư, có hơn 15 thủ tục mà chủ đầu tư và các cơ quan nhà nước phải thực hiện. Đặc biệt, mặc dù trong thời gian qua đã có những bước tiến đáng kể trong việc phân cấp thẩm quyền, tuy nhiên, đối với một số loại công trình, chủ đầu tư vẫn phải vừa thực hiện thủ tục ở cấp địa phương vừa thực hiện ở cấp Trung ương. Ví dụ, đối với công trình cấp I, các thủ tục phòng cháy chữa cháy vẫn phải thực hiện tại Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), trong khi phần lớn các thủ tục của dự án đã được xử lý tại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

Không chỉ phải thực hiện nhiều bước thủ tục, bà Hồng cho biết, theo phản ánh của các nhà đầu tư, để xác định chính xác các bước, thủ tục nào trước, thủ tục nào sau, để thực hiện một dự án đầu tư là không hề dễ dàng, do hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh quá phức tạp, có quá nhiều văn bản điều chỉnh một hoạt động đầu tư và quy định thay đổi liên tục.

Cụ thể, qua rà soát, đối với trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư cho đến giai đoạn thực hiện và kết thúc dự án, có khoảng 12 luật, hơn 20 nghị định, thông tư điều chỉnh. Việc tra cứu, xác định chính xác những quy định đang có hiệu lực khá khó khăn, do một số văn bản có các điều khoản được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ở những văn bản khác, nhất là trong bối cảnh, việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung văn bản diễn ra nhanh chóng và theo từng đợt rà soát mà các cơ quan nhà nước tiến hành. Ví dụ, về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, từ năm 2020 đến 2024 đã hai lần sửa đổi về các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Như vậy, nếu không cập nhật các văn bản hoặc không tìm kiếm được văn bản hợp nhất, DN sẽ rất khó theo dõi hoặc nhận biết được sự thay đổi của các văn bản pháp luật.

Từ thực tiễn hoạt động đầu tư của DN, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản toàn cầu (GP.Invest) - cho biết, mỗi dự án bất động sản cần khoảng 38 - 40 con dấu, từ khâu ban đầu chấp thuận chủ trương đầu tư cho tới khi hoàn thành dự án, với đủ ý kiến của các sở, ban, ngành. Ngoài ra, mỗi lần điều chỉnh quy hoạch, thiết kế là một lần phải xin lại từng ấy con dấu. Do đó, một dự án triển khai nhanh thì mất không dưới 3 năm, chậm thì 5 - 10 năm. Đó là chưa kể ở nhiều dự án, vì lý do nào đó bị rơi vào diện vi phạm, bị thanh tra, kiểm tra thì nguy cơ “đứng hình” vô thời hạn hoàn toàn có thể xảy ra.

Cấp bách tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai dự án đầu tư

Bên cạnh sự phức tạp của hệ thống quy định pháp luật, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng cho biết, năng lực thực thi của địa phương cũng còn có những hạn chế nhất định, khiến cho việc thực hiện các thủ tục đầu tư của DN luôn là một “hành trình gian nan”.

Đơn cử, về định giá đất, trên thực tế có nhiều trường hợp, cùng áp dụng một phương pháp định giá tại cùng một dự án, song kết quả định giá giữa các cơ quan vẫn có sự chênh lệch rất lớn. Có trường hợp, đơn vị định giá thứ nhất xác định giá trị đất là 900 tỷ đồng, đơn vị thứ hai đưa ra con số gấp đôi, trong khi đơn vị thứ ba thẩm định giá đất lên đến 3.000 tỷ đồng, cao gấp hơn ba lần so với mức đầu tiên. “Những vướng mắc, sự chậm trễ trong công tác định giá đất của địa phương dẫn đến nhiều dự án bị đình trệ trong thời gian dài từ 2 - 3 năm, thậm chí lên đến 10 năm, khiến DN bị lỡ mất cơ hội đầu tư kinh doanh, gây thiệt hại lớn cho DN” - bà Hồng nhấn mạnh.

Từ thực trạng trên, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải quyết các vướng mắc thực tiễn, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần xây dựng một tài liệu hướng dẫn quy trình thực hiện dự án đầu tư, trong đó xác định rõ các giai đoạn triển khai, các thủ tục mà nhà đầu tư phải thực hiện, cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thời hạn xử lý từng bước. Tài liệu này nên được công khai trên các cổng thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư để đảm bảo tính minh bạch, dễ tiếp cận và hỗ trợ hiệu quả cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

Song song với đó, cần phải có cơ chế rà soát thường xuyên và hiệu quả hơn từ phía các cơ quan quản lý đối với hệ thống pháp luật về đầu tư, nhằm kịp thời phát hiện và điều chỉnh những quy định thiếu thống nhất, chưa rõ ràng hoặc bất hợp lý. Hoạt động rà soát này cũng nên được thực hiện trên cơ sở tiếp thu các kiến nghị, phản ánh từ DN và các hiệp hội ngành nghề.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đang có xu hướng rút ngắn về thời gian và được thực hiện nhanh chóng, nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền, nguy cơ phát sinh các quy định không thống nhất vẫn luôn hiện hữu. Việc sáp nhập một số cơ quan quản lý nhà nước được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật giữa các lĩnh vực từng do nhiều cơ quan khác nhau quản lý.

Bên cạnh việc hoàn thiện về thể chế, theo các chuyên gia, năng lực thực thi chính sách của các địa phương là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến mức độ thuận lợi trong quá trình triển khai dự án đầu tư, nhất là trong bối cảnh hoạt động phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh, phần lớn thủ tục liên quan đến thực hiện dự án đầu tư đều do chính quyền địa phương nơi có dự án đảm nhiệm. Do đó, cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ địa phương, nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án./.

Tại Công điện số 78/CĐ-TTg về tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tập trung đẩy mạnh số hóa, tự động hóa, tái sử dụng dữ liệu (quy hoạch, đất đai, hoạt động xây dựng, doanh nghiệp…) trong thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng để cắt giảm hồ sơ, giấy tờ, trình tự thực hiện, thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Cùng chuyên mục
“Ma trận” thủ tục đầu tư bủa vây dự án