Miền Bắc xã hội chủ nghĩa xứng đáng là hậu phương vững chắc của tiền tuyến anh hùng

Trong Diễn văn khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn và thực hiện kỳ được “thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà”.

16.jpg
Công nhân trong Nhà máy Dệt 8/3 đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, năm 1960, xác định: “Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại có hai nhiệm vụ chiến lược: Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước” và chỉ rõ: “Hai nhiệm vụ chiến lược ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau”.

Nghị quyết của Đảng đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, như: Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội sau khi đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là nhiệm vụ mang tính tất yếu. Việc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cho miền Bắc được ngày càng vững mạnh về mọi mặt thì sẽ càng có lợi cho cách mạng giải phóng miền Nam, cũng như sự phát triển của cách mạng cả nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn dành cho nhân dân miền Nam tình cảm rất đặc biệt. Người nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi” và: “Trái tim của tôi và 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam”. Người thấu hiểu sự thống nhất của đất nước, mối quan hệ ruột thịt giữa hai miền Nam - Bắc: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Là đồng bào ruột thịt, nhân dân miền Bắc nhất định hết lòng hết sức ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước, chống Mỹ của đồng bào miền Nam, cũng như nhân dân miền Nam hết lòng hết sức đấu tranh để góp phần bảo vệ miền Bắc của Tổ quốc mình”.

Vì vậy, Hồ Chí Minh thường xuyên kêu gọi nhân dân miền Bắc: “Chúng ta ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời từng giờ từng ngày chúng ta phải nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang đau khổ dưới chế độ phát xít dã man của Mỹ - Diệm và đang đấu tranh vô cùng anh dũng”. Người nhắc nhở: “Toàn thể đồng bào miền Bắc phải luôn luôn nhớ rằng, trong lúc chúng ta đang sinh hoạt và xây dựng trong hòa bình, thì đồng bào miền Nam ta đang hy sinh, anh dũng chiến đấu chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Vì vậy, mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”.

Người phân tích rất cụ thể: “Mỗi một tấn than, mỗi một cái máy, mỗi một tạ lương thực… mà chúng ta tăng gia thêm và tiết kiệm được đều giúp vào tốc độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đều là ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam, đều là góp phần thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.

Thực hiện tư tưởng, đường lối, chủ trương của Hồ Chí Minh và Đảng ta, cả miền Bắc sôi động trong phong trào thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tinh thần, ý chí quyết tâm, tình cảm thiêng liêng với miền Nam ruột thịt được biến thành những lời nói, việc làm thiết thực, sâu rộng với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Xuất hiện và sáng đẹp ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh những hình ảnh sinh động, đáng khâm phục của những quê hương “Hai giỏi”, “Chiếc gậy Trường Sơn”… “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… Ở đâu cũng gặp những “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, những “Chị Hai năm tấn”, những anh hùng Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”... Thực tế đã khẳng định rõ ràng sự chi viện có hiệu quả to lớn về mọi mặt của miền Bắc xã hội chủ nghĩa với miền Nam anh dũng kiên cường. Hàng vạn thanh niên miền Bắc lên đường ra trận giết giặc, một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí trang bị… được chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, trong đó lúc cao nhất khối lượng vật chất chi viện đã đạt gần 120% kế hoạch đề ra.

Chúng ta cần hiểu rõ thêm thực tế này: Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước ác liệt, miền Bắc phải chịu sự tàn phá khốc liệt của bom đạn địch. Đế quốc Mỹ huy động nhiều máy bay, tàu chiến, trong đó có cả máy bay chiến lược B52 tiến hành hai cuộc chiến tranh phá hoại, bắn phá dữ dội miền Bắc Việt Nam hòng ngăn chặn miền Bắc chi viện, tiếp tế cho miền Nam. Nhưng chúng đã thất bại, quân và dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay, tàu chiến địch (cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất từ 1964-1968, miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 143 tàu chiến của Mỹ; trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ (từ tháng 4 đến tháng 12/1972), miền Bắc đã bắn rơi 735 máy bay, trong đó có 61 máy bay B52, bắn cháy, bắn chìm 125 tàu chiến Mỹ). Và đặc biệt, miền Bắc đồng thời vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp sức cùng miền Nam anh dũng kiên cường lập nên những chiến công hiển hách.

Thật đáng khâm phục, xúc động, tự hào về tinh thần và hành động cách mạng cao đẹp mà nhân dân miền Bắc cũng như miền Nam đã thực hiện dưới sự lãnh đạo kiên định, tài tình của Đảng, sự chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, sự chi viện, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã giúp cho dân tộc Việt Nam chiến thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, cả nước thống nhất cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam xum họp Xuân nào vui hơn”.

Những truyền thống, thành tựu, bài học kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có vai trò quan trọng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã và đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vận dụng, phát huy nhằm thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và hùng cường./.

Cùng chuyên mục
  • “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”
    11 tháng trước Chính trị
    Trong những năm cả nước ta cùng chung sức đồng lòng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã xuất hiện rất nhiều những ca khúc cách mạng hào hùng, như tiếng kèn xung trận, thúc giục đoàn quân tiến công và chiến thắng. “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” của nhạc sĩ Thanh Phúc là ca khúc nổi tiếng nằm trong số đó.
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ngày Quốc tế Lao động 1/5
    11 tháng trước Chính trị
    Từ sớm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm và trực tiếp tham gia vào hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (03/02/1930) và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thì Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta càng có điều kiện thuận lợi tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động thiết thực, ý nghĩa.
  • 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Đoàn kết làm nên sức mạnh, cội nguồn của mọi thành công
    một năm trước Chính trị
    Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của dân tộc. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
  • Bác Hồ với Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng
    một năm trước Chính trị
    Cách đây 69 năm, ngày 19/9/1954, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Đại đoàn 308) tại Đền Hùng (Phú Thọ), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “…Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…”. Không chỉ khẳng định công lao to lớn của các Vua Hùng, của các thế hệ ông cha, lời Bác dặn còn là lời nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng, phải có trách nhiệm giữ gìn giang sơn gấm vóc.
  • Giỗ Tổ Hùng Vương: Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
    một năm trước Chính trị
    Trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mà mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.
Miền Bắc xã hội chủ nghĩa xứng đáng là hậu phương vững chắc của tiền tuyến anh hùng