Minh bạch việc mua sắm hiện vật của bảo tàng công lập

(BKTO) - Mặc dù hoạt động mua, đấu giá hiện vật tại các bảo tàng công lập đã được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan, nhưng trên thực tế, quá trình triển khai thực hiện công tác này vẫn còn nhiều bất cập, tính minh bạch cũng chưa được đảm bảo.



Nhiều sai sót trong việc mua sắm hiện vật

Theo đại diện Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), qua thực tế thanh tra hoạt động mua sắm, đấu giá hiện vật tại một số bảo tàng vừa qua nổi lên một số bất cập làm ảnh hưởng đến tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động mua sắm hiện vật. Điển hình như: chưa tuân thủ quy trình, thủ tục theo Thông tư số 11/2013/TT-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL quy định về sưu tầm hiện vật bảo tàng công lập (Thông tư 11); thực hiện mua sắm, đấu giá hiện vật khi chưa có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh (đối với bảo tàng cấp tỉnh)…

Những bất cập này cũng được KTNN chỉ ra trong quá trình thực hiện kiểm toán. Cụ thể, tại thời điểm kiểm toán năm 2018, KTNN xác định việc mua sắm hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chưa đầy đủ hồ sơ. Việc xác định giá trị bằng tiền của hiện vật còn thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ căn cứ… Tương tự, tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã không thực hiện thuyết minh cụ thể căn cứ, cơ sở xác định số lượng của từng hiện vật phải sưu tầm.

Tại các bảo tàng do địa phương quản lý, việc mua sắm hiện vật thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo kết quả thanh tra của Thanh tra tỉnh Điện Biên về công tác đầu tư mua sắm tài liệu, hiện vật, cổ vật bằng nguồn vốn NSNN tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Bảo tàng tỉnh Điện Biên năm 2018, việc mua sắm hiện vật tại các bảo tàng chủ yếu có sai sót trong việc tuân thủ quy trình, thủ tục, cũng như không đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong việc mua sắm.

Cụ thể, tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên, Hội đồng Khoa học của bảo tàng được lập thiếu thành phần cơ quan quản lý tài chính có liên quan đến việc sử dụng kinh phí mua hiện vật, dẫn đến một số kết quả thẩm định chưa đảm bảo cơ sở pháp lý. Cán bộ sưu tầm đi khảo sát, sưu tầm và thỏa thuận giá mua tài liệu, hiện vật, đồng thời là thành viên Hội đồng Khoa học và trực tiếp thanh toán tiền mua tài liệu, hiện vật với các chủ sở hữu tài liệu, hiện vật là không bảo đảm tính khách quan trong việc quản lý sưu tầm, thỏa thuận mua bán hiện vật và quản lý kinh phí… Tương tự, tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, việc khảo sát, cập nhật, điều chỉnh số liệu và mua hiện vật trong quá trình thực hiện chưa chính xác, dẫn đến một số hiện vật có kích thước chưa đúng với quyết định phê duyệt…

Đảm bảo tính minh bạch trong mua sắm hiện vật

Việc mua sắm hiện vật theo quy định của Thông tư 11 nhằm đảm bảo cho việc mua sắm hiện vật được chặt chẽ, đúng mục đích, đảm bảo tính minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng hiện vật tại bảo tàng. Tuy nhiên, đại diện một số bảo tàng phản ánh việc mua sắm hiện vật hiện nay đang gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là thủ tục mua sắm hiện vật còn rườm rà.

Một cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từng kể, trong chuyến đi sưu tầm ở một vùng quê, đoàn phát hiện một hiện vật quý. Sau khi thỏa thuận thời gian và giá cả, về cơ quan làm thủ tục, đến lúc quay lại để tiếp nhận thì hiện vật đã bị bán cho người khác. “Việc mua hiện vật với đầy đủ các chứng từ theo quy định về tài chính kế toán là vấn đề không đơn giản; chưa kể sự cạnh tranh về mặt giá cả theo thị trường” - cán bộ bảo tàng này cho biết.

Còn theo GS,TSKH. Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, việc mua, đấu giá hiện vật có những đặc thù riêng, thay đổi theo từng thời kỳ song quy định hiện hành không phù hợp, gây khó khăn cho việc tiếp cận với những hiện vật quý, điển hình như quy định định giá bằng tiền đối với hiện vật. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét giảm bớt các quy trình, thủ tục cũng như rút ngắn thời gian từng khâu. “Việc sửa đổi quy trình, thủ tục phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch là tính minh bạch khi mua sắm” - ông Tiêu nhấn mạnh.

Đồng tình với việc sửa đổi quy định về mua sắm hiện vật, chuyên gia về khảo cổ Lâm Thị Mỹ Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả trong việc mua sắm hiện vật, cần thiết phải nâng cao trình độ, ý thức và trách nhiệm của cán bộ bảo tàng, đặc biệt là đội ngũ làm công tác thẩm định hiện vật.

Thông tin về việc một số quy trình, thủ tục mua sắm hiện vật hiện hành không còn phù hợp, đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho rằng, việc sửa đổi quy định cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá và không thể thực hiện ngay. Tuy nhiên, với trách nhiệm được giao, các bảo tàng cần tuân thủ đúng quy định hiện hành, cũng như đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong mua sắm, quản lý hiện vật.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày06-6-2019
Cùng chuyên mục
Minh bạch việc mua sắm hiện vật của bảo tàng công lập