Mở rộng cơ sở thuế góp phần tăng thu ngân sách

(BKTO) - Một trong những yêu cầu của Chính phủ đối với ngành tài chính là phải mở rộng cơ sở thuế (đối tượng chịu thuế), kết hợp với điều chỉnh thuế suất theo lộ trình hợp lý nhằm góp phần tăng thu ngân sách. Chỉ đạo này xuất phát từ những yêu cầu đặt ra trong quá trình thực thi pháp luật.



Cần thiết phải mở rộngcơ sở thuế

Theo Bộ Tài chính, nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến đối tượng chịu thuế đã nảy sinh trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về thuế. Cụ thể, đối với Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), một số hàng hóa, dịch vụ đã được xã hội hóa mạnh mẽ nhưng vẫn chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%. Điều này chưa đảm bảo sự bình đẳng với những ngành nghề, lĩnh vực khác đang chịu mức thuế suất 10%.

Hay, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chưa bổ sung đối tượng chịu thuế để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng. Mức độ điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, ô tô vừa chở người vừa chở hàng chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, một số quy định tại Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế và khó khăn cho công tác quản lý thuế.

Bên cạnh những bất cập trên tại buổi làm việc với Bộ Tài chính mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc còn đặt vấn đề: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh, làm xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như: kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử…, cụ thể là các loại hình dịch vụ vận tải Uber, Grab, du lịch trực tuyến, quảng cáo qua Google, bán hàng qua Facebook…

Đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế nhưng Việt Nam chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế, thực hiện thu ngân sách đúng dự toán, tiến độ và bảo đảm cân đối NSNN.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng gợi ý, Việt Nam còn có nhiều cơ hội để mở rộng nguồn thu, trong đó có các khoản thuế đang được miễn trừ như: thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế GTGT và thuế TTĐB. Bởi vậy, Việt Nam cần mở rộng cơ sở thu thuế và rà soát các hình thức ưu đãi thuế để điều chỉnh cho hợp lý, tránh ưu đãi dàn trải, gây lãng phí nguồn lực…

Rà soát, bổ sungcác đối tượng chịu thuế

Để khắc phục những bất cập trên, đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, Bộ Tài chính đã chủ trì, xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế, dự kiến trình Quốc hội vào Kỳ họp tháng 5 tới. Tại Dự án này, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến việc mở rộng cơ sở thuế.

Theo đó, đối với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất giảm nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế và nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế. Về thuế TTĐB, Bộ bổ sung nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế, trừ các sản phẩm từ sữa. Với thuế TNCN, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng tài nguyên internet thuộc đối tượng chịu thuế cho phù hợp với Luật Viễn thông…

Từ góc độ nghiên cứu, Th.S Phạm Thị Mai Huyên (Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh) khuyến nghị, khi mở rộng cơ sở thuế, Chính phủ cần rà soát danh mục hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT, nghiên cứu chuyển dần một số hàng hóa dịch vụ hiện nằm trong danh mục không chịu thuế sang chịu thuế GTGT để tạo nguồn thu cho NSNN. Đối với thuế TNDN, cần rà soát, giảm bớt các nhóm thu nhập được miễn thuế cho các đối tượng chính sách, hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế TNDN để đảm bảo tính trung lập của thuế.

Mặt khác, theo bà Mai Huyên, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu, bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng chịu thuế TTĐB như: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ, vàng bạc, đá quý... Để mở rộng cơ sở thuế TNCN, bà Mai Huyên cho rằng, cần giảm bớt một số khoản thu nhập được trừ không tính vào thu nhập chịu thuế và các khoản thu nhập miễn thuế.

Để xử lý hài hòa cả ảnh hưởng tích cực và tiêu cực từ việc mở rộng cơ sở thuế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan quản lý cần phải có những biện pháp quyết liệt và hiệu quả đối với các hành vi trốn thuế, tránh thuế. Bên cạnh đó, cần tăng cường biện pháp chống xói mòn cơ sở thuế, công khai thông tin, trợ giúp và tôn trọng quyền của người nộp thuế…

THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 15-3-2018
Cùng chuyên mục
Mở rộng cơ sở thuế góp phần tăng thu ngân sách