Phát triển ngân hàng số: Tiềm năng và thách thức

(BKTO) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, làn sóng số hóa đang làm thay đổi các mô hình kinh doanh ngân hàng. Minh chứng là, nhiều nhà băng đã có những hành động cụ thể, hướng đến trở thành ngân hàng số trong tương lai. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này đặt ra không ít thách thức đối với các ngân hàng.



Ngân hàng Việt hướng đếncông nghệ số

Hệ thống ngân hàng Việt đang đứng trước những cơ hội, tiềm năng để phát triển dịch vụ ngân hàng số. Đó là: sự liên tục gia tăng dòng vốn đầu tư cho công nghệ vào ngân hàng, tác động tích cực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng số hóa toàn cầu, thị trường Việt Nam với quy mô dân số lớn, tỷ lệ người sử dụng điện thoại và internet cao…

Tận dụng lợi thế trên, nhiều ngân hàng Việt đã nghiên cứu, đưa ra các dịch vụ hiện đại, tiện ích nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Điển hình là, năm 2017, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Tiên Phong (TPBank) đã khai trương điểm giao dịch LiveBank (ngân hàng tự động) phục vụ 24/7, cho phép khách hàng có thể tương tác với các thiết bị để thực hiện nhiều loại giao dịch.

Đồng thời, Ngân hàng này cũng tung ra ứng dụng đột phá QuickPay (thanh toán và chuyển tiền bằng mã QR trên điện thoại di động), giúp các nhà bán lẻ và người dùng có thể thực hiện giao dịch trên điện thoại di động một cách nhanh chóng, thuận tiện. Ngoài ra, TPBank còn dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực thanh toán với mPOS (máy chấp nhận thanh toán thẻ di động) thế hệ mới, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất về an toàn và bảo mật.

Trước TPBank, năm 2016, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) đã cho ra mắt không gian giao dịch công nghệ số tại Hà Nội và TP.HCM. Đây là không gian nằm trong tổng thể Dự án Xây dựng mô hình chi nhánh hiện đại Smart branch theo Chiến lược Phát triển ngân hàng số của Vietcombank.

Cùng với Vietcombank, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu cũng đã quan tâm và lựa chọn các giải pháp core banking (công nghệ phần mềm lõi) nhằm hỗ trợ tốt cho định hướng phát triển ngân hàng số. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng đã cho ra mắt website về ngân hàng số Timo.vn và ứng dụng timo trên điện thoại di động. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đã giới thiệu các tính năng mới của BIDV Smart Banking (ứng dụng ngân hàng thông minh trên điện thoại di động) như: mua sắm trên ứng dụng, trợ lý ảo…

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin kéo theo xu hướng phát triển ngân hàng số đã mang lại nhiều tiện ích cho cả ngân hàng và khách hàng. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, khi thu nhập từ hoạt động tín dụng ngày càng giảm, phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng nâng tỷ trọng nguồn thu trong tổng lợi nhuận chung. Còn theo giới chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ số giúp ngân hàng gia tăng 45% cơ hội lợi nhuận trong mảng bán lẻ, giảm thiểu chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Mặt khác, so với ngân hàng truyền thống, ngân hàng số giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như công sức khi thanh toán tiền điện, tiền nước trực tiếp, mua sắm trực tuyến mà không phải đến tận nơi. Đồng thời, với sự hỗ trợ từ công nghệ, dịch vụ ngân hàng số còn có thể phục vụ tốt hơn nhiều đối tượng khách hàng, thậm chí cả những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa.

Hệ thống bảo mật, nguồn nhân lực… chưa đáp ứng yêu cầu

Dù ngân hàng số đã có những bước phát triển và mang lại nhiều lợi ích nhưng việc thực hiện mục tiêu này cũng đang đặt ra cho các ngân hàng nhiều thách thức.

Thách thức lớn nhất chính là hệ thống bảo mật, an ninh mạng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và tránh rủi ro cho các ngân hàng. Từ năm 2014 đến nay, các cuộc tấn công mạng nhằm vào mọi tổ chức, bao gồm cả các tổ chức tài chính ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, gần đây, nhiều trường hợp tài khoản của khách hàng đột ngột bị “bốc hơi” trong khi họ không hề giao dịch. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến nghị, an ninh mạng là một phần không thể thiếu để bảo vệ khách hàng và ngân hàng khi phát triển ngân hàng số.

Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà băng đã đầu tư công nghệ tốt, hiện đại và đảm bảo an toàn thì việc phát triển ngân hàng số vẫn chưa hết thách thức nếu nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu. Phó Tổng Giám đốc TPBank Đinh Văn Chiến chia sẻ, do hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng số là nghiệp vụ mới nên việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp cũng gặp khó khăn nhất định. Ngoài nghiệp vụ ngân hàng, đội ngũ nhân lực cần phải nắm bắt về công nghệ, hiểu biết về khách hàng…

Mặt khác, theo các chuyên gia, thách thức nữa trong việc phát triển ngân hàng số là nhiều quy định pháp luật hiện hành còn bất cập. Chẳng hạn, quy định về định danh khách hàng đã và đang hỗ trợ hiệu quả các nhà quản lý trong công tác phòng, chống rủi ro về tội phạm tài chính.

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên công nghệ số, những quy định này đã không còn phù hợp. Hay, việc tiến hành gặp mặt trực tiếp để thực hiện thủ tục nhận diện và xác minh thông tin khách hàng sẽ hạn chế khả năng lan tỏa của dịch vụ tài chính… Bởi vậy, “sự thay đổi từ hệ thống hành lang pháp lý đến nhận thức của người tiêu dùng và ngân hàng là yếu tố quyết định thành công trong cuộc đua công nghệ của ngân hàng”- Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam Nguyễn Thùy Dương nhận định.

THÀNH ĐỨC
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 08-3-2018
Cùng chuyên mục
Phát triển ngân hàng số: Tiềm năng và thách thức