Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế và thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp: Kỳ II - Kiến nghị hoàn thiện chính sách, tăng cường quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế

(BKTO) - Từ việc chỉ ra những bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2017, bên cạnh kiến nghị thu hồi về Quỹ Bảo hiểm y tế các khoản chi phí không đúng quy định, nộp NSNN kinh phí cấp trùng thẻ BHYT, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan nhằm chấn chỉnh các hạn chế, sai sót, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về BHYT để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ.




KTNN kiến nghị BHXH Việt Nam tăng cường công tác giám định tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. Ảnh: TTXVN

Kiểm soát chặt việc thanh toán chi phí về thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật

Để có cơ sở xử lý các khoản do định mức tiêu hao vật tư chưa hợp lý và thanh toán dịch vụ kỹ thuật vượt công suất tại các cơ sở y tế (năm 2017, KTNN xác định là trên 738,8 tỷ đồng), KTNN đề nghị BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất phương án thanh toán theo giá dịch vụ quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC và Thông tư số 15/2018/TT-BYT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Văn bản số 12452/VPCP-KGVX ngày 22/12/2018.

Đồng thời, để chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, sai sót về công tác quản lý Quỹ BHYT, KTNN kiến nghị BHXH Việt Nam cần tăng cường thanh tra công tác thu BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đối với các đơn vị trốn đóng hoặc nợ đọng cần có biện pháp kiên quyết để xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn trong việc khởi kiện đơn vị sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, nợ các chế độ BHXH, BHYT để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

KTNN cũng kiến nghị BHXH Việt Nam tăng cường công tác giám định tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; nâng cao trình độ của giám định viên để hạn chế những trường hợp lợi dụng chính sách KCB để trục lợi, kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán chi phí về thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật; đồng thời, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp các dịch vụ có định mức thanh toán chưa phù hợp với thực tế sử dụng cho người bệnh BHYT. Cùng với đó, BHXH Việt Nam cần tăng cường tham gia phối hợp, kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu của quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc từ khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của Chính phủ.

Khẩn trương hoàn thiệnvăn bản pháp luật về bảo hiểm y tế

Đối với Bộ Y tế, KTNN kiến nghị Bộ rà soát và hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BHYT để đảm bảo các quy định được xây dựng đầy đủ, phù hợp. Cụ thể là, quy định chuyên môn, kỹ thuật, quy trình KCB và hướng dẫn điều trị theo quy định của Luật BHYT để đảm bảo việc chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả và làm cơ sở thực hiện việc phiên tương đương dịch vụ kỹ thuật phù hợp. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, ban hành Gói dịch vụ y tế cơ bản tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến T.Ư…

Đối với quy định về đấu thầu thuốc, cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung theo hướng: Mở rộng phạm vi, danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia; có chế tài xử phạt khi cơ sở y tế không ký kết hợp đồng mua thuốc hoặc không thực hiện đúng cam kết về số lượng đã đề xuất; quy định chi tiết về cách ghi quy cách, dạng bào chế trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu; phân loại chi tiết chất lượng thuốc về hiệu quả điều trị; nghiên cứu thực hiện đàm phán giá đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc độc quyền, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và tiết kiệm thời gian so với việc tổ chức đấu thầu.

KTNN cũng kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm xác định mức giá trần của một số loại thuốc để tạo điều kiện cho các cơ sở y tế mua sắm với các công ty cung ứng thuốc, đảm bảo không cao hơn mức giá trần nhằm khắc phục những hạn chế của việc thực hiện đấu thầu tập trung hiện nay. Đồng thời, triển khai xây dựng ban hành bộ tiêu chí thống nhất về quy cách sản phẩm đối với thuốc đông y; xây dựng hệ thống quản lý giá đối với dược liệu cổ truyền, vật tư, hóa chất trên phạm vi toàn quốc làm cơ sở xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Cùng với đó, để có căn cứ phê duyệt giá kế hoạch, Bộ Y tế cần khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn riêng về việc đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế, trong đó hướng dẫn về phân loại các vật tư, hóa chất theo nhóm, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với từng loại dịch vụ y tế; tổ chức giám sát, theo dõi, kiểm tra hoạt động đấu thầu của các bệnh viện T.Ư trực thuộc Bộ theo quy định.

Liên quan đến việc thực hiện chính sách xã hội hóa y tế, KTNN kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung văn bản hướng dẫn về chính sách này theo hướng quy định đầy đủ, chi tiết các hình thức sử dụng tài sản, trang thiết bị xã hội hóa, đặc biệt là hình thức mượn, đặt thiết bị tại các cơ sở KCB, nhằm đảm bảo hài hòa giữa việc huy động nguồn lực xã hội, ngăn chặn việc lạm dụng chỉ định KCB và đảm bảo hóa chất, vật tư y tế được xây dựng công khai, minh bạch, tiết kiệm chi Quỹ BHYT. Để giảm thiểu tối đa tình trạng lạm dụng sử dụng thiết bị xã hội hóa, Bộ Y tế cần xây dựng bộ tiêu chí phân loại cụ thể về các thiết bị y tế, làm cơ sở để hướng dẫn, quy định cụ thể loại máy nào được áp dụng hình thức xã hội hóa, loại máy nào cơ sở KCB tự trang bị hoặc bố trí từ nguồn lực nội tại.

KTNN cũng kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BHYT, nhằm phát hiện các bất cập để kịp thời tham mưu sửa đổi chính sách phù hợp, đúng quy định; thực hiện nghiêm việc xử phạt các cơ sở y tế vi phạm quy định về thanh quyết toán chi KCB. Ngoài ra, Bộ Y tế chủ trì phối hợp Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Đề án cân đối Quỹ BHYT trung, dài hạn nhằm có các giải pháp tổng thể trong cân đối Quỹ một cách chủ động và để thực hiện đúng trách nhiệm của Bộ Y tế theo quy định.

Bên cạnh đó, KTNN kiến nghị UBND một số tỉnh tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc Sở Y tế có liên quan đến việc: kế hoạch mua sắm thuốc có chi phí cao hơn thuốc cùng hoạt chất, cùng nhóm nhưng khác hàm lượng, dạng bào chế; tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương thiếu cơ sở; thực hiện mua sắm hóa chất, vật tư y tế khi chưa trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; không xây dựng kế hoạch dự trù mua sắm hóa chất, vật tư y tế; có hiện tượng chia lẻ gói thầu ra thành nhiều đợt trong năm, ra nhiều quyết định khác nhau về cùng một chủng loại.
         
KTNN kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam rà soát và điều chỉnh các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá vật tư y tế phù hợp với thực tế sử dụng và mua sắm tại các cơ sở y tế để điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí theo quy định.
N. KIM
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 23-5-2019
Cùng chuyên mục
Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế và thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp: Kỳ II - Kiến nghị hoàn thiện chính sách, tăng cường quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế