Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh
Từ góc độ cơ quan KTNN,đại biểu Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinhđã có những phân tích, làm rõ hơn vấn đề này.
♦ Thưa Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, tại phiên thảo luận về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa qua, Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật cho rằng, do dựa trên các hồ sơ do cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế cung cấp dẫn đến kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN và Thanh tra nhà nước có thể chưa đảm bảo chính xác số thuế phải nộp của người nộp thuế và người nộp thuế khiếu nại, khởi kiện cơ quan quản lý thuế. Xin Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết quan điểm về vấn đề này?
Đối với Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), thời gian quan, KTNN đã rất tích cực, trách nhiệm tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng, thẩm tra, giải trình tiếp thu, chỉnh lý. Ngày 20/5/2019, KTNN tiếp tục có văn bản số 607/KTNN-PC góp ý về Dự án Luật.
Tại phiên thảo luận về Dự án Luật ngày 24/5, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu: Do “dựa trên các hồ sơ do cơ quan quản lý thuế cung cấp và có yêu cầu người nộp thuế cung cấp tài liệu tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế khi xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế dẫn đến có một số trường hợp kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước và Thanh tra nhà nước có thể chưa đảm bảo chính xác số thuế phải nộp của người nộp thuế và người nộp thuế khiếu nại, khởi kiện cơ quan quản lý thuế (do cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định).”
Như vậy, có thể thấy rằng, Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 vừa được Tổng Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội đều chỉ ra một thực tế đó là những khó khăn trong việc tiếp cận hồ sơ, tài liệu để thực hiện kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu đã làm ảnh hưởng đến hoạt động và kết quả kiểm toán của KTNN.
Đối với trường hợp này, nếu do việc cung cấp hồ sơ, tài liệu dẫn đến kết quả kiểm toán, thanh tra không chính xác, thì theo tôi trước hết phải xem xét đến nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế.
Theo đó, cơ quan quản lý thuế là đơn vị được kiểm toán đã không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ “cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp”, và “trả lời và giải trình đầy đủ, kịp thời các vấn đề do Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước yêu cầu liên quan đến nội dung kiểm toán” theo khoản 3 và khoản 4 Điều 57 của Luật KTNN năm 2015.
Tương tự, người nộp thuế đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan “cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp” theo khoản 1 Điều 68 của Luật KTNN năm 2015.
♦ Với lập luận như trên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đánh giá như thế nào khi Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định theo hướng cơ quan quản lý thuế xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp trong trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của KTNN?
Điểm b, khoản 2, Điều 21 của Dự thảo Luật quy định: “Trường hợp cơ quan Kiểm toán nhà nước không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế có nội dung kiến nghị nêu trong báo cáo kiểm toán liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan Kiểm toán nhà nước phải gửi bản trích sao có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để biết và thực hiện. Trong quá trình thực hiện kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước nếu có phát sinh trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế người nộp thuế phải nộp và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”
Phân tích quy định trên cho thấy, từ việc cơ quan quản lý thuế không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, sau đó không đồng tình với kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán mà Dự thảo Luật cho phép chính cơ quan quản lý thuế xác định lại nghĩa vụ của người nộp thuế là không phù hợp. Người đang được thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu (cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế) lại kiểm tra ngược lại cơ quan đi thanh tra, kiểm toán. Trong khi đó, chính cơ quan quản lý thuế đã phối hợp làm việc, giải trình những vấn đề thanh tra, kiểm toán đưa ra. Như vậy là không bảo đảm trách nhiệm, khách quan, minh bạch và công bằng.
Tôi cho rằng, với quy định như điểm b, khoản 2 Điều 21 Dự thảo Luật đã vô hiệu hoá khoản 3, khoản 4 Điều 57 và khoản 1 Điều 68 của Luật KTNN năm 2015.
Mặt khác, trường hợp nghĩa vụ thuế được cơ quan quản lý thuế xác định lại khác với kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán thì vô hình trung là vô hiệu hoá các kết luận, kiến nghị này. Cụ thể là, làm vô hiệu hoá khoản 6 Điều 57 của Luật KTNN năm 2015 về nghĩa vụ của cơ quan thuế (là đơn vị được kiểm toán) phải “thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động của mình…”; đồng thời vô hiệu hiệu hoá khoản 2 Điều 68 Luật KTNN năm 2015 về trách nhiệm của người nộp thuế (là tổ chức, cá nhân có liên quan) “thực hiện kết luận và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước…”.
Quy định này của Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng không phù hợp với quy định tại Điều 7 của Luật KTNN về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán.
♦ Vậy để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong quy định pháp luật, theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước vấn đề này cần được quy định như thế nào cho phù hợp?
Từ những phân tích trên, trên cơ sở nghiên cứu Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi) và các quy định trong Dự thảo Luật, tôi đề xuất 2 phương án:
Phương án 1:Quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 21 của Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật KTNN. Nếu vẫn giữ quy định này trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), tôi đề nghị sửa lại cụ thể như sau:
“b) Trường hợp cơ quan Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế có thực hiện kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế có nghĩa vụ, trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu và giải trình theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp. Căn cứ kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan quản lý thuế ra thông báo, quyết định về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; trường hợp không đồng ý, cơ quan quản lý thuế có quyền khiếu nại kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước.”.
Phương án 2:Quy định tại điểm a, điểm b, khoản 2 Điều 21 của Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quy trình kiểm toán của KTNN. Do vậy, tôi đề nghị không nên quy định trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mà nên quy định trong Luật KTNN. Khoản 3 Điều 118 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do Luật định” và chúng ta đã có Luật KTNN năm 2015.
Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tôi đề nghị bỏ khoản 2 Điều 21 của Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tôi cũng kiến nghị sửa Điều 22 tương tự như Điều 21.
♦ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước!
N. HỒNG (thực hiện)