Mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

(BKTO) - Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Trải qua 70 năm, những bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

3.jpg
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tạ Quang Bửu (bên phải) ký Hiệp định Giơ-ne-vơ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Mềm dẻo, chủ động triển khai nhiều hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế

Nhân dân ta và bạn bè yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới vừa hân hoan kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với niềm tự hào sâu sắc và hướng đến một tương lai ổn định, hoà bình và phát triển. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn gắn liền với một chiến thắng trên lĩnh vực ngoại giao - chiến thắng của nền ngoại giao hoà bình, hoà hiếu Việt Nam. Đó là Hội nghị Giơ-ne-vơ đưa đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ngày 08/5/1954, đúng một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, ngay từ ngày Hội nghị bắt đầu, đoàn Việt Nam đã mềm dẻo, chủ động triển khai nhiều hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế. Cụ thể, chúng ta đã kiên định trước mọi thử thách, chủ trương, nhưng linh hoạt, khôn khéo trong sách lược. Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, Đoàn ta đã tích cực làm việc, xử lý mềm dẻo với các đoàn Liên Xô, Trung Quốc và Pháp; đã họp báo, gặp gỡ với hàng trăm đoàn thể nhân dân và chính giới Pháp để bày tỏ thiện chí và quyết tâm của ta, tố cáo hành động hiếu chiến và âm mưu phá hoại của các lực lượng thù địch. Các hoạt động này đã góp phần làm cho dư luận Pháp và quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam, buộc Chính phủ Pháp phải chấp nhận phương án về một giải pháp toàn bộ đối với Việt Nam và Đông Dương.

Hội nghị Giơ-ne-vơ diễn ra qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ ngày 08/5-19/6/1954); Giai đoạn 2 (từ ngày 20/6- 10/7/1954); Giai đoạn 3 (từ ngày 11-21/7/1954). Thành phần tham dự Hội nghị gồm 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương Quốc Lào và Vương Quốc Campuchia.

Trải qua 75 ngày đêm với 31 phiên họp cùng rất nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề Hội nghị, ngày 21/7/1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, thông qua Tuyên bố chung. Đồng chí Thiếu tướng Tạ Quang Bửu - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và Thiếu tướng Denteil - đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương đã ký Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Cùng với bản Tuyên bố về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương, bản Hiệp định đình chiến ở Việt Nam đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương, xác định các giới tuyến quân sự chỉ có tính tạm thời và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước...

Hiệp định Giơ-ne-vơ đánh dấu sự kết thúc một chặng đường trong quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập tự do của dân tộc. Việc ký kết dựa trên căn cứ và phần nào phản ánh đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, song ký Hiệp định Giơ-ne-vơ là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp là phù hợp, phản ánh đúng so sánh lực lượng trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ.

Kết luận của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương năm 1988

Để lại nhiều bài học quý cho hôm nay

Việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, Hiệp định đã buộc thực dân Pháp phải kết thúc chiến tranh, công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Với Hiệp định Giơ-ne-vơ, lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước, các bên tham dự Hội nghị thừa nhận và tôn trọng.

Nhiều ý kiến nhận định, Hội nghị Giơ-ne-vơ và Hiệp định Giơ-ne-vơ đã cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm trên trường đàm phán; đồng thời, trang bị cho quân và dân Việt Nam những gì cần thiết nhất để giành được chiến thắng vẻ vang trước chặng đường đầy chông gai, đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Đế quốc Mỹ. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết là biểu hiện cho sự thành công của đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh" do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, lãnh đạo. Chính sức mạnh toàn dân, toàn diện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đưa đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ mà tướng Navarre Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương trong những năm 1953-1954 đã thừa nhận: "Quân viễn chinh Pháp không những phải chống chọi với một đội quân chính quy mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc".

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam khi lần đầu tiên bước lên vũ đài đàm phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc, để bàn về các vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của chính dân tộc mình trong bối cảnh tình hình thế giới và quan hệ quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Việc ký kết giúp Việt Nam giành được thắng lợi, mang lại những quyền lợi to lớn và chính đáng cho dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to…". Ở vào thời điểm này, chính thành quả ấy trên mặt trận ngoại giao đã đem lại thế và lực mới cho nước ta trên trường quốc tế.

70 năm trôi qua, đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam, đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Pari năm 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Trong tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo các bài học, kinh nghiệm quý báu của Hội nghị Giơ-ne-vơ về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, quân sự và ngoại giao; phát huy nội lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước để làm cơ sở vững chắc cho hoạt động ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để phát triển đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Cùng chuyên mục
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa”
    3 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Đạo đức cách mạng là một trong những vấn đề có tính cốt tử của Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng luôn coi trọng ý nghĩa, sức mạnh to lớn của đạo đức cách mạng. Trong bài “Đạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập số 12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang”.
  • Nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí
    3 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Dù có nhiều chuyển biến song công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trên các lĩnh vực vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
  • Trình Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland
    3 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí trình Quốc hội về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV.
  • Khuyến khích các dự án lớn, công nghệ cao của doanh nghiệp Trung Quốc
    3 tháng trước Đối ngoại
    (BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp lớn, có năng lực, uy tín của Trung Quốc cùng hợp tác để sớm có những dự án lớn, công nghệ cao, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
  • Tăng quyền và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
    3 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 142-QĐ/TW quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định 142). Quy định mới sẽ gỡ nút thắt đối với nhu cầu xây dựng được “ê kíp” làm việc tốt hơn, giúp công việc cơ quan đơn vị trôi chảy hơn; vừa xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất, đoàn kết, cùng hành động vì lợi ích chung. Tuy nhiên, trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự cũng được quy định rõ ràng hơn, ngay cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam