Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam - chia sẻ, nói đến văn hóa phải nói đến những giá trị cốt lõi, những chuẩn mực liên quan đến giá trị và hệ giá trị của một cá nhân, một tổ chức, một quốc gia.
Riêng đối với Việt Nam, văn hóa còn là đạo hiếu, là truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời, đó là tôn trọng người đi trước, thành kính với cha mẹ, tổ tiên, là phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc. "Việc xây dựng văn hóa đối với cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo phải dựa trên những nền tảng như vậy" - bà Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định.
Nhấn mạnh hiện nay nhà báo đang sống trong thời đại kỹ thuật số với sự lên ngôi của mạng xã hội, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, điều đó là đương nhiên nhưng có những điều luôn luôn có giá trị và không bao giờ khác được là tâm thế làm nghề và đạo đức làm nghề, là lý tưởng làm nghề của nhà báo.
"Nhà báo làm nghề để phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân với phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật. Đó chính là văn hóa báo chí" - Nhà báo Hồ Quang Lợi nhận định.
Việc người làm báo "bẻ cong" ngòi bút là vô cùng nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Nhà báo Hồ Quang Lợi nhắn nhủ: "Mỗi khi viết, người làm báo phải xác định luôn khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, tuyệt đối không chạy theo những thông tin thiếu chính xác. Bởi, từng câu chữ mình viết ra nếu không chính xác có thể gây dư luận xấu cho xã hội; thậm chí là ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của rất nhiều người. Lan tỏa những giá trị nhân văn, tốt đẹp; lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, nêu cao các giá trị văn hóa… là những gì người làm báo phải theo đuổi đến cùng trong quá trình làm nghề".
Cũng tại Tọa đàm, các diễn giả đều nhận định, chỉ khi có văn hóa, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo sẽ ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa./.