Mọi gia đình đều đoàn kết để thành xã hội đại đoàn kết

(BKTO) - Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”. Chỉ thị xác định: “Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.

2.jpg
Bác Hồ trò chuyện với đại biểu phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III (1961). Ảnh: ST

Chỉ thị cũng đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp để xây dựng gia đình, trong đó có nội dung xây dựng đoàn kết gia đình gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng xây dựng sự đoàn kết trong các gia đình Việt Nam.

Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Theo Người: “Đại đoàn kết là nền tảng của đại thắng lợi”. Ngày 06/7/1956, trong Thư gửi đồng bào cả nước, Người viết: “Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng. Nhờ đại đoàn kết mà cách mạng đã thắng lợi, kháng chiến đã thành công. Nay chúng ta đại đoàn kết thì cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta nhất định thắng lợi, nước ta nhất định thống nhất”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập sâu, đưa ra nhiều nội dung, lĩnh vực… của sự đại đoàn kết, trong đó có đoàn kết trong từng gia đình nhằm tạo thành sức mạnh đại đoàn kết, đưa cách mạng đến thành công, nhân dân có tự do, hạnh phúc. Trong bài “Phải thật sự đảm bảo lợi quyền của phụ nữ” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 28/12/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Gia đình là hạt nhân của xã hội. Mọi gia đình đều đoàn kết cộng lại thành xã hội đại đoàn kết. Đại đoàn kết là sức mạnh vô địch của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, đoàn thể… cũng như từng gia đình, từng thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm xây dựng sự đoàn kết trong gia đình với các chủ trương, biện pháp, cách làm tích cực, cụ thể và hiệu quả. Ví dụ, Hồ Chí Minh phê phán tệ đánh vợ: “Đánh vợ là rất xấu! Sao khi thì anh anh em em, mà khi thì lại thụi người ta? Nếu có đánh vợ thì phải sửa vì như vậy là dã man, là phạm pháp luật. Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm luật”. Và Người yêu cầu: “Chi bộ phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hòa thuận trong gia đình. Bác mong rằng: Từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”. Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ mối quan hệ biện chứng, sự đồng bộ, xây dựng điều tốt, việc tốt đồng thời với phòng tránh, loại bỏ những thói hư, tật xấu ảnh hưởng đến đoàn kết gia đình. Tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình vào ngày 10/10/1959, Người nói: “Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông”. Người cũng phân tích rất cụ thể tác dụng thiết thực của việc bỏ được những tiêu cực, như: “Trước kia, vì rượu chè lu bù mà đời sống bấp bênh, trong làng xóm và trong gia đình thường có chuyện bất hòa. Nay bỏ được nạn nấu rượu lậu, thì bà con đoàn kết thuận hòa, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”.

Từ nhiều năm nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, quy định cụ thể để góp phần xây dựng sự đoàn kết trong các gia đình. Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nhiệm kỳ Đại hội XIII, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”. Sự ra đời và nhanh chóng đi vào cuộc sống của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Quyết định số 72/QĐ/2021/QĐ-TTg ngày 04/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam… đã được cả hệ thống chính trị, toàn dân và các gia đình Việt Nam tích cực thực hiện với nhiều kết quả quan trọng. Thành công này được Đảng ta khẳng định: “Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng... Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam…”.

Tuy nhiên, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại trong lĩnh vực này, như: Chưa kịp thời có những giải pháp đồng bộ để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên internet và mạng xã hội ảnh hưởng đến gia đình; tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, sử dụng lao động trẻ em chưa được xử lý triệt để… Vừa qua, xuất hiện tình trạng trong một số gia đình cán bộ, đảng viên, người có chức, có quyền, trong đó có cả những cán bộ cao cấp, đã lợi dụng ảnh hưởng của người thân để vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật nhà nước nhằm hưởng lợi bất chính, gây bất bình trong dư luận xã hội. Đảng, Nhà nước, các cơ quan pháp luật đã và đang kiên quyết xử lý nghiêm minh những sai phạm đó, được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, khả thi nhằm giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nâng cao chất lượng của việc xây dựng đoàn kết trong mọi gia đình Việt Nam. Nổi lên là việc Đảng đã và đang yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc những điều đảng viên không được làm, trong đó có quy định về việc đảng viên không được để cho gia đình, người thân lợi dụng vị trí, cương vị, ảnh hưởng của mình để trục lợi, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật. Vừa qua, nhân dịp 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu toàn Đảng, toàn dân đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng thắng lợi mọi mục tiêu mà chúng ta đã đề ra, trong đó có mục tiêu: “Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội”.

Từng người chúng ta hãy tự giác rèn luyện phấn đấu xây dựng thật tốt gia đình của mình để góp phần tích cực nhất tăng cường sức mạnh vô địch của đại gia đình Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu mạnh, hùng cường./.

Cùng chuyên mục
Mọi gia đình đều đoàn kết để thành xã hội đại đoàn kết