Thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương và thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; Nghị quyết về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, chiều 19/3, UBTVQH xem xét, quyết định: thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

bq19.jpg
UBTVQH biểu quyết thông qua các Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC thuộc tỉnh Bình Dương và Tiền Giang. Ảnh: VPQH

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về các nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tỉnh Bình Dương đề nghị thành lập 02 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 02 xã An Điền và An Tây. Đồng thời, đề nghị thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Bến Cát.

Kết quả sau khi thành lập 02 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương: Tỉnh Bình Dương không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trực thuộc nhưng có giảm 01 thị xã, 02 xã và tăng 01 thành phố, 02 phường. Tỷ lệ đô thị hóa là 84,95%.

Thành phố Bến Cát có 234,35 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 364.578 người, có 08 ĐVHC cấp xã (01 xã và 07 phường); tỷ lệ đô thị hóa là 94,65%.

Về phương án thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang đề nghị thành lập 04 phường: Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 04 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa; sắp xếp 04 phường thành 02 phường (nhập Phường 4 vào Phường 1, nhập Phường 3 vào Phường 2); thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.

Kết quả sau khi thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số ĐVHC cấp huyện trực thuộc, nhưng tăng 01 thành phố và giảm 01 thị xã; đồng thời giảm 02 ĐVHC cấp xã (tăng 02 phường, giảm 04 xã); tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Tiền Giang là 18,40% - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Thành phố Gò Công có 101,69 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 151.937 người; có 10 ĐVHC cấp xã trực thuộc, gồm 07 phường và 03 xã (giảm 02 ĐVHC cấp xã so với thị xã Gò Công hiện nay). Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố Gò Công là 60,76%.

tra19.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Thẩm tra Tờ trình các Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

“Việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; thành lập 04 phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang là phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng đô thị và các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của UBTVQH” - ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của các địa phương để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm tiến độ theo đúng quy định. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khi xem xét đề án sắp xếp ĐVHC của các địa phương cần rà soát kỹ lưỡng các trường hợp không sắp xếp ĐVHC vì yếu tố đặc thù (nếu có), bảo đảm đúng yêu cầu, quy định của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư để bảo đảm chất lượng đô thị đối với các xã dự kiến thành lập phường và thị xã dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là các tiêu chuẩn thành phần còn đạt ở mức thấp so với quy định...

Tại phiên họp, 100% Ủy viên UBTVQH tham dự đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; Nghị quyết về thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 31, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cùng với các cơ quan sớm ban hành thông báo kết luận nội dung phiên họp để các cơ quan có cơ sở hoàn thiện các hồ sơ dự án để trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian tới có nhiều công việc phải triển khai như Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác của HĐND, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; phiên họp thường kỳ lần thứ 32 của UBTVQH, phiên họp chuyên đề pháp luật… Cùng với đó, Chính phủ đề xuất nhiều nội dung bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 7 tới. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương làm việc với các đầu mối của Chính phủ, rà soát kỹ lưỡng các nội dung, phân định nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì bổ sung vào chương trình nghị sự của Kỳ họp; nội dung nào  chưa chuẩn bị kịp thì giãn tiến độ.

Cùng chuyên mục
Thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương và thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang