Moldova: Chú trọng kiểm toán việc quản lý thuốc và thiết bị y tế

(BKTO) - Vừa qua, Tòa Thẩm kế nước Cộng hòa Moldova (Đông Âu) đã thông tin về kết quả cuộc kiểm toán tập trung đánh giá hoạt động quản lý thuốc và trang, thiết bị y tế của nước này.

Nhiều sai sót trong quản lý dược phẩm

Các đơn vị được kiểm toán bao gồm nhiều cơ quan và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực y tế như: Cơ quan Thuốc và Thiết bị y tế, Trung tâm Mua sắm y tế công, Trung tâm Pháp y, Viện Y tế công cộng, Trung tâm Chẩn đoán y khoa, Viện Bà mẹ và Trẻ em, Bệnh viện Da liễu và các bệnh truyền nhiễm... Bằng chứng kiểm toán cũng được thu thập từ nhiều tổ chức và đơn vị có liên quan.

z4336117369274_42b57be284c271e8e500bdba879d7a96.jpg
Tòa Thẩm kế họp trực tuyến trao đổi về cuộc kiểm toán. Ảnh sưu tầm

Cuộc kiểm toán đã phát hiện nhiều sai sót trong hoạt động nhập khẩu thuốc, số lượng, giá cả, ngày nhập khẩu không đúng với các giấy phép đã được cấp. Thuốc được nhập khẩu với giá cao hơn so với giá được duyệt; một số thuốc có giá trị 55 triệu lei (tương đương 3,1 triệu USD) đã được nhập khẩu sau khi giấy phép nhập khẩu hết hiệu lực; một số thuốc có giá trị 117 triệu lei đã được nhập khẩu trước khi giấy phép được cấp; nhiều loại thuốc đã vượt quá số lượng được phép nhập và trị giá thuốc nhập khẩu vượt quá mức cho phép. “Một số loại thuốc dành cho những bệnh nhân tim mạch chưa được cấp phép nhưng vẫn được nhập khẩu với chi phí cao hơn gấp 2,2 lần so với giá được phê duyệt trong Danh mục giá quốc gia” - Tòa Thẩm kế dẫn chứng.

Tòa Thẩm kế cho biết, số lượng giấy phép được cấp đã tăng lên đáng kể nhưng không hoàn toàn tuân thủ các quy định hiện hành khiến việc nhập khẩu thuốc với giá trị lớn cũng không tuân thủ quy định. Mặc dù đã được phép nhập khẩu nhưng nhiều loại thuốc không được đánh giá và lập hồ sơ theo quy định. Khoảng 60.000 bệnh nhân tham gia 23 chương trình y tế quốc gia đã và đang phải sử dụng các loại thuốc chưa được cấp phép; khoảng 28% số thuốc cần thiết cho các dịch vụ y tế đã được xác định là trái phép.

Năm 2021, khoảng 5.800 loại thuốc đã được đăng ký trong Danh mục thuốc nhà nước, ít hơn 350 loại so với năm 2020. Tình trạng này xảy ra là do việc không nộp đơn đăng ký cấp phép lưu hành thuốc, dẫn đến các rủi ro gián đoạn dự trữ thuốc, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thuốc của bệnh nhân. Việc tham chiếu giá của nhà sản xuất đối với thuốc nhập khẩu và thuốc sản xuất trong nước đều có những bất cập do đơn vị được cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc không đảm bảo việc kê khai giá của nhà sản xuất. Trong Danh mục giá quốc gia, chỉ có 3.195 loại thuốc được kê khai và phê duyệt giá, chiếm 55% số thuốc đăng ký. Tình trạng này dẫn tới việc thuốc giao tới các cơ sở y tế và bán cho người dân bị tăng giá tùy tiện.

Đánh giá khả năng tiếp cận hỗ trợ dược phẩm, cuộc kiểm toán cho thấy, các cơ sở dược phẩm được thành lập và đặt tại các thành phố không tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân khẩu học. Tại nhiều thành phố, số lượng các cơ sở dược được cấp phép đã vượt quá 40%, ở một số vùng nông thôn, số lượng nhà thuốc không đủ, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận hỗ trợ dược phẩm của hàng nghìn người dân.

Hệ thống y tế cần sớm được củng cố

Lĩnh vực thuốc và trang thiết bị y tế ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với việc hỗ trợ người dân Moldova. Nhờ đưa ra các giải pháp sáng tạo trong chẩn đoán, phòng ngừa, theo dõi và điều trị bệnh, lĩnh vực này đã giúp cứu sống nhiều sinh mạng. Trong bối cảnh này, Tòa Thẩm kế Moldova ngày càng quan tâm đến công tác kiểm toán chiến lược thâm nhập thị trường cũng như việc quản lý thuốc và thiết bị y tế.

Dữ liệu về trang, thiết bị y tế không chính xác và không được cập nhật với lý do không phải trang, thiết bị nào cũng được đăng ký trên 2 hệ thống thông tin do Cục Thuốc và Trang thiết bị y tế quản lý. Hiện có 707/2.906 thiết bị y tế trị giá tới 165,9 triệu lei do các tổ chức, đơn vị y tế quản lý vẫn không được đăng ký, quản lý.

Cuộc kiểm toán mới nhất đã phát hiện ra những sai phạm nghiêm trọng, đòi hỏi phải củng cố hệ thống y tế cùng với trách nhiệm giải trình của tất cả các bên liên quan. Tòa Thẩm kế cho rằng, các cơ quan và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế cần thể hiện trách nhiệm cao nhất nhằm mục tiêu đạt được tính tuân thủ trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng này. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự trao đổi thông tin liên ngành, cập nhật khung pháp lý và củng cố các nguồn lực cần thiết. Các phát hiện của cuộc kiểm toán cho thấy, cần phải quy trách nhiệm cho các tổ chức liên quan đến việc cung cấp thuốc và thiết bị y tế cho người dân, cần xây dựng một kế hoạch hành động có hệ thống nhằm giảm thiểu rủi ro và các hành vi không tuân thủ./.  

Cùng chuyên mục
Moldova: Chú trọng kiểm toán việc quản lý thuốc và thiết bị y tế