Latvia: Chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý bất động sản

Yến Nhi – Đàm Hương | 13/05/2023 08:04

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước Latvia (SAO) vừa qua đã công bố một báo cáo với tiêu đề “Quản lý bất động sản nhà nước còn manh mún, thiếu tầm nhìn cho tương lai”.

Tại Latvia, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng chính sách quản lý bất động sản nhà nước (BĐS NN). Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được thành lập chủ yếu theo cơ chế này nhưng không phải là cơ chế quản lý BĐS duy nhất trong nước. Nhà nước sở hữu nhiều BĐS với nhiều mục đích sử dụng khác nhau và BĐS là một trong những nguồn lực cơ bản cần thiết để thực hiện đồng thời các chức năng của các cơ quan nhà nước.

ui-territory-in-riga-sba-photo-600fc76045017.jpg
Nhiều bất động sản chưa được quản lý hiệu quả tại Latvia. Ảnh sưu tầm

SAO đã thực hiện một cuộc kiểm toán tập trung vào BĐS NN và BĐS cho thuê của các công ty cổ phần nhà nước (SJSC). Qua kiểm toán, SAO đã phát hiện ra những hạn chế đáng kể trong việc xây dựng chính sách và trong công tác quản lý BĐS.  

Một phát hiện cho thấy công tác quản lý BĐS thiếu chính sách thống nhất trong toàn ngành và cách tiếp cận hệ thống; cơ chế quản lý tập trung còn cục bộ và thiếu sự đồng bộ. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chủ trương được thông qua năm 2006 là tiến tới tập trung hóa hơn nữa việc quản lý BĐS trực thuộc các Bộ; tối ưu hóa cấu trúc BĐS thuộc sở hữu của các Bộ và các cơ quan nhà nước, triển khai nguyên tắc giá cho thuê theo thị trường, trong đó nhiệm vụ chính là để tạo ra các khoản tiết kiệm cho công tác sửa chữa và xây dựng theo kế hoạch, xây dựng một hệ thống thông tin quản lý BĐS thống nhất.

Bà Inga Vilka, thành viên của SAO nhận xét về kết quả kiểm toán: “Do một loạt quy định và luật được thông qua nên không thể phủ nhận rằng Bộ Tài chính đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình thực hiện Chủ trương được thông qua năm 2006. Nhiều BĐS đã được Bộ Tài chính tiếp quản từ các cơ quan khác. SJSC đã và tiếp tục trưng thu những BĐS NN mà nhà nước không cần đến, tiếp quản một phần BĐS NN, xây dựng những BĐS mới, cho ra mắt hệ thống thông tin BĐS NN. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành cuộc kiểm toán vào tháng 2/2023, tức là 16 năm sau khi Chủ trương được thông qua, việc cung cấp các cơ sở vật chất cần thiết cho các cơ quan nhà nước nhìn chung không được phối hợp thực hiện, BĐS NN đang được quản lý một cách manh mún và không có tầm nhìn cho tương lai”.

Cuộc kiểm toán cho thấy, các cơ quan nhà nước thiếu sự hợp tác, thiếu dữ liệu so sánh và thiếu sự phân tích. Ngay trong quá trình xây dựng chủ trương, nhiều bất cập vẫn tồn tại và chưa được giải quyết. Hệ thống quản lý BĐS được thiết lập và được xem là cần thiết đối với việc thực hiện các chức năng nhà nước còn manh mún do có nhiều nhà quản lý BĐS khác nhau và các nguyên tắc khác nhau để xác định phí cho thuê và phí quản lý.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy việc xác định giá cho thuê không nhất quán và hệ thống kiểm soát nội bộ còn nhiều hạn chế. Các khoản dự phòng đầy đủ không được trích lập để khôi phục và bảo trì một số BĐS mặc dù khi nhà nước phân bổ kinh phí đối với các hợp đồng cho thuê BĐS của SJSC tạo ra lợi nhuận đáng kể cho DNNN. Trên cơ sở nhiều sai sót trong tính toán phí cho thuê của SJSC được phát hiện trong cuộc kiểm toán, SAO kết luận rằng SJSC có môi trường kiểm soát nội bộ yếu kém, dẫn đến việc bên thuê không thanh toán đầy đủ phí thuê mặt bằng.

Một phát hiện khác là việc thiếu dữ liệu đầy đủ, trung thực và cập nhật. Để đảm bảo một cách tiếp cận thống nhất đối với việc quản lý BĐS NN, cần phải đưa ra một hệ thống thông tin phù hợp để tạo ra các điều kiện tiên quyết cho việc phân tích dữ liệu, so sánh và lập kế hoạch quản lý BĐS NN. Mặc dù Bộ Tài chính và SJSC đã xây dựng một hệ thống thông tin như vậy, nhưng dữ liệu thu thập được không đầy đủ, thiếu chất lượng và độ tin cậy, do đó không thể thực hiện phân tích dữ liệu đầy đủ, các thông tin cần thiết về các vấn đề quản lý BĐS NN vẫn được thu thập một cách cơ học từ các cơ quan nhà nước thông qua các cuộc khảo sát.

Trên cơ sở các kết luận kiểm toán, SAO đưa ra 11 kiến nghị đối với Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện chính sách về BĐS NN và SJSC với tư cách là đơn vị quản lý BĐS NN và BĐS của chính SJSC. Các nội dung tập trung vào: Xác định chính sách quản lý BĐS NN; Thiết lập một hệ thống thông tin BĐS quốc gia gồm đầy đủ các dữ liệu có chất lượng và đáng tin cậy; Đưa ra mức phí cho thuê hợp lý về mặt kinh tế đối với các tổ chức công; Cải thiện công tác quản trị phần vốn nhà nước tại SJSC bằng cách theo dõi việc sử dụng phần lợi nhuận được phân bổ theo đúng mục tiêu đề ra./.

Cùng chuyên mục
Latvia: Chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý bất động sản