Một năm lan tỏa tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Thúc đẩy xã hội hóa, huy động nguồn lực công nghệ vào lĩnh vực bảo tàng

Xã hội hóa trong khai thác hiện vật bảo tàng trên nền tảng số là xu hướng tất yếu đối với các bảo tàng trong thời đại 4.0. Là đơn vị đầu tiên thực hiện phương thức hợp tác công - tư nhằm đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sâu rộng trong lĩnh vực bảo tàng, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh đã có chia sẻ với Báo Kiểm toán đối với vấn đề này.

d55a99d582ba5be402ab.jpg
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực di sản có hợp tác với doanh nghiệp để đưa công nghệ số vào giới thiệu hiện vật. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Thưa ông, ông đánh giá ra sao về xu hướng ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu hiện vật bảo tàng?

Ngày nay, hiện vật bảo tàng không chỉ được giới thiệu trong trạng thái tĩnh, mà sự tương tác dưới nhiều hình thức đã được áp dụng rộng rãi ở các bảo tàng trên khắp thế giới, đặc biệt là trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, việc sử dụng máy tính hay điện thoại thông minh, internet đã trở nên phổ biến. Ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu hiện vật bảo tàng đã trở nên rộng khắp, thậm chí đã trở thành một phần trong việc quyết định và lập kế hoạch cho trưng bày bảo tàng. Bằng việc sử dụng công nghệ một cách thông minh, bảo tàng có thể tăng cường sự tập trung và quan tâm tới bộ sưu tập của mình và làm cho bảo tàng trở nên dễ tiếp cận hơn.

Bên cạnh đó, hướng dẫn khách tham quan cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi bảo tàng, thường do nhân viên bảo tàng thực hiện. Tuy nhiên, trước nhu cầu phải đổi mới nội dung và hình thức hướng dẫn, khả năng cung ứng dịch vụ, đa dạng hình thức giới thiệu hiện vật và nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách tham quan, nhiều bảo tàng đã ứng dụng công nghệ để hỗ trợ công tác này. Các phần mềm audio guide dần được bảo tàng ứng dụng, như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam,… cung cấp các bài giới thiệu trưng bày và hiện vật bằng lời nói.

Theo ông, vì sao cần phải thúc đẩy sự hợp tác trong việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực bảo tàng? Xin ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về công tác này?

Với sự phát triển của công nghệ, hình thức hướng dẫn tham quan, giới thiệu các sưu tập hiện vật online hay trưng bày ảo,… ngày càng phong phú, đa dạng, cho thấy xu hướng tất yếu này trong hoạt động bảo tàng. Tuy nhiên, để thực hiện những chương trình như vậy, bảo tàng thường không đủ nguồn lực mà phải phối hợp với các công ty công nghệ.

Đứng trước thách thức phải đổi mới, với nguồn kinh phí đầu tư hạn chế của Nhà nước, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chủ động kết nối, tìm kiếm đối tác xã hội hóa, hợp tác công - tư. Việc lựa chọn hình thức, đối tác, phương thức hợp tác và xây dựng cơ chế hoạt động là một quá trình đầy thách thức, khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị và những nỗ lực rất lớn từ hai phía. Dự án xã hội hóa giữa một bảo tàng của Nhà nước và một công ty tư nhân là chưa từng có tiền lệ, vậy nên những bước triển khai cần hết sức cẩn trọng và cần có sự hợp tác, giúp đỡ của rất nhiều cơ quan liên quan để đảm bảo cơ sở pháp lý và sự thành công của dự án. Bên cạnh đó, việc lựa chọn công ty công nghệ có đủ năng lực, có cùng định hướng, tin tưởng, chia sẻ trong cả quá trình cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng.

Trên thực tế, Bảo tàng không có đủ nguồn lực về công nghệ nên phải dựa vào đối tác. Ngược lại, công ty công nghệ không có kiến thức về bảo tàng nên không thể một mình xây dựng sản phẩm công nghệ cho bảo tàng. Vì vậy, việc hợp tác chặt chẽ giữa đôi bên là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, đối với dự án xã hội hóa huy động nguồn lực từ nhà đầu tư bên ngoài, việc minh bạch về nguồn vốn đầu tư và chia sẻ nguồn lợi là điều tiên quyết để duy trì mối quan hệ hợp tác đôi bên.

Tăng cường thu hút các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cho di sản, đặc biệt tìm kiếm sự tham gia, phối hợp của các bên để phát huy giá trị di sản cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặt ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn, đây là giải pháp cần được chú trọng thực hiện, không chỉ trong lĩnh vực bảo tàng, mà các lĩnh vực di sản khác. 

0696e920e54f3c11655e.jpg
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh: Sự hợp tác của bảo tàng với các nguồn lực từ xã hội sẽ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bảo tàng. Ảnh: N.LỘC

Việc lựa chọn hình thức, cũng như đối tác để hợp tác trong lĩnh vực bảo tàng được thực hiện ra sao, thưa ông?

Ở Việt Nam, xã hội hóa trong hoạt động bảo tàng phần lớn là hợp tác không bình đẳng. Ví dụ, với sự cho phép của bảo tàng, một công ty công nghệ có thể đầu tư kinh phí xây dựng phần mềm công nghệ, tự xây dựng nội dung và đưa vào sử dụng, khai thác tại bảo tàng và trả cho bảo tàng một khoản phí nhất định. Ở mô hình này, bảo tàng không cần đầu tư kinh phí, nguồn lực con người mà vẫn có thể thu được chút lợi ích, tuy nhiên, chất lượng chuyên môn không đảm bảo và tính bền vững của mô hình này không cao. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã lựa chọn mô hình bình đẳng hơn, đó là hợp tác đôi bên cùng có lợi. Với nguồn kinh phí đầu tư của đối tác, Bảo tàng xây dựng nội dung, đối tác xây dựng nền tảng công nghệ; Bảo tàng cung cấp địa điểm, đối tác lo nhân sự thực hiện dịch vụ, Bảo tàng và đối tác cùng truyền thông, quảng bá cho sản phẩm…, và điều quan trọng là đôi bên cùng chia sẻ lợi ích thu được từ sản phẩm công nghệ. 

Để thực hiện dự án xã hội hoá, việc lựa chọn đối tác phù hợp là vô cùng quan trọng. Các bảo tàng tại Việt Nam hiện nay phần lớn là các cơ quan phi lợi nhuận, nguồn kinh phí để xây dựng và duy trì các nền tảng công nghệ số phục vụ các hoạt động ở bảo tàng rất hạn chế, thậm chí gần như không có. Điều đó đồng nghĩa với việc đối tác hợp tác trước hết phải có năng lực tài chính đủ mạnh và vững để có thể đồng hành cùng bảo tàng trong thời gian dài. Không chỉ vậy, họ còn cần có khả năng công nghệ hiện đại, cập nhật kịp thời cũng như đoán định các xu hướng công nghệ để đáp ứng nhu cầu hoạt động của bảo tàng cũng như nhu cầu thưởng lãm của công chúng. Để xây dựng nền tảng và sản phẩm công nghệ, đối tác công nghệ phải bỏ ra khoản đầu tư rất lớn, nhưng đổi lại, việc thu hồi vốn là rất ít và chậm. Chính vì thế, nếu không phải là nhà đầu tư có trách nhiệm với xã hội, hoạt động vì mục đích phát huy giá trị di sản của đất nước thì rất khó có được dự án hợp tác với bảo tàng.

Những yêu cầu đặt ra đối với các bên để thúc đẩy quá trình hợp tác thuận lợi là gì, thưa ông?

Như đề cập trước đó, hợp tác xã hội hóa phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng cả về trách nhiệm và lợi ích. Các đối tác tư nhân bên ngoài có thể rất mạnh về tài chính và công nghệ, nhưng họ không hoạt động trong lĩnh vực di sản nên không thể đảm bảo về mặt chuyên môn. Chính vì vậy, các bảo tàng cần có đội ngũ chuyên gia chủ động tham gia xây dựng nội dung cho sản phẩm. Việc này không những đảm bảo chất lượng nội dung, mà còn là cơ hội cho các cán bộ bảo tàng cọ sát, tìm hiểu về lĩnh vực công nghệ. Ở chiều ngược lại, các cán bộ công nghệ sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu của bảo tàng, từ đó xây dựng các sản phẩm đáp ứng chính xác nhu cầu thực tế. Là một dự án phối hợp và xã hội hoá nên ngay từ ban đầu, hai bên phải cam kết rõ ràng về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên trong việc xây dựng, vận hành và khai thác sản phẩm.

f4a353614c0e9550cc1f.jpg
Nhờ ứng dụng công nghệ số, du khách có thể tự tham quan và nghe thuyết minh về hiện vật mà không cần có hướng dẫn viên. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Việc thực hiện hợp tác trong lĩnh vực bảo tàng đến nay là chưa có tiền lệ. Trong khi chưa có chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư công nghệ vào các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực di sản (như giảm thuế), thì thời hạn ký kết hợp đồng ngắn (5 năm/lần như đối với một dự án xã hội hóa như dự án của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) sẽ khó khăn trong việc phát triển bền vững. Do đó, rất cần có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa để thu hút các nguồn vốn xã hội hóa, đặc biệt trong lĩnh vực phát huy giá trị hiện vật bảo tàng trên nền tảng số.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
  • Trà Vinh: Tăng cường kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế 2 tháng cuối năm
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Kế hoạch về kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) 02 tháng cuối năm 2022, nhằm tăng cường rà soát, kiểm tra các cơ sở KCB BHYT và các nội dung KCB BHYT có chi phí 10 tháng đầu năm gia tăng bất thường hoặc cao hơn mức bình quân chung cả nước; ngăn chặn, xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.
  • Trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Trao nhân ái, lan tỏa yêu thương
    2 năm trước Xã hội
    Với mong muốn những người có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc y tế khi ốm đau, được bảo đảm thu nhập khi hết tuổi lao động, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phát động Chương trình Tặng sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, góp phần lan tỏa, nhân lên ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT.
  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận Giải thưởng Thực tiễn hiệu quả
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Dự án “Giải pháp chính sách của Việt Nam hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp” của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, vinh dự được nhận Giải thưởng Thực tiễn hiệu quả tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 39 (Hội nghị ASSA-39).
  • Bình Phước: Đẩy mạnh phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội theo từng nhóm tiềm năng
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến cuối năm 2022, số lượng người tham gia BHXH đạt 35% lực lượng lao động. Theo đó, để hoàn thành mục tiêu này, đơn vị đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh phát triển người tham gia bảo hiểm theo từng nhóm đối tượng tiềm năng.
  • Bảo hiểm xã hội tỉnh Tây Ninh: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Xác định công tác cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), thời gian qua, BHXH tỉnh Tây Ninh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo nên những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, nhằm đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục bảo hiểm.
Một năm lan tỏa tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Thúc đẩy xã hội hóa, huy động nguồn lực công nghệ vào lĩnh vực bảo tàng