Mục tiêu quan trọng của PVN là phát triển lĩnh vực hóa dầu

(BKTO) - Xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường phát triển năng lượng tái tạo.

2.jpg
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã phát triển theo hướng tăng olefin, giảm xăng, tạo ra những sản phẩm mới. Ảnh: PVN

Cần thu hồi CO2 để chuyển thành hóa chất hoặc nhiên liệu

Hiện nay, thế giới đang chuyển mình, năng lượng đang chuyển đổi từ năng lượng truyền thống (than, dầu, khí) sang năng lượng tái tạo để giảm phát thải CO2.

Tuy nhiên, theo GS,TSKH. Hồ Sĩ Thoảng - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), “zero carbon” không có nghĩa là không phát thải CO2, mà là phát thải ra và thu hồi cân bằng; thu vào từ rừng núi, cây cối, mùa màng... và các biện pháp thu hồi CO2 để chuyển thành hóa chất hoặc nhiên liệu, rồi sau đó đốt.

Duy nhất chỉ có một nhiên liệu khi cháy không phát thải CO2 là hydrogen. Từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, một số nhà khoa học đã đề cập đến “Nền kinh tế hydrogen”.

Tuy nhiên, do rất nhiều khó khăn về kỹ thuật vận hành, từ tàng trữ đến vận chuyển..., cho nên hydrogen chưa thể được sử dụng như một nhiên liệu thực thụ.

Đầu thế kỷ XXI, nhà hóa học người Mỹ gốc Hungary George A. Olah - người đoạt giải Nobel Hóa học năm 1994 - đưa ra học thuyết “Nền kinh tế methanol” (Methanol Economy), lấy CO2 từ phát thải của các nhà máy (chủ yếu là nhà máy sản xuất xi măng, điện...) hoặc trong khí quyển kết hợp với hydrogen để tạo thành methanol.

Từ đó, dùng methanol chuyển hóa thành xăng, diesel hoặc sử dụng luôn làm nhiên liệu. Nhiên liệu đó khi đem đốt tạo ra CO2 có thể thu hồi bằng cách tác dụng với hydrogen trở lại thành methanol.

Theo sơ đồ mà Olah đưa ra, sẽ đến lúc thế giới không còn phát thải CO2 thừa, sẽ không cần dầu mỏ, than đá tự nhiên nữa.

Trong học thuyết “Nền kinh tế methanol” có một điểm khó là hydrogen. Có một nguồn hydrogen cực kỳ phong phú, không bao giờ cạn là nước, nhưng việc lấy hydrogen từ nước rất khó, phải có năng lượng.

Phản ứng giữa hydrogen và oxygen thành nước tạo ra năng lượng, nhưng phản ứng ngược lại để nhận hydrogen thì phải được cung cấp năng lượng.

Nhiều nhà hóa học đã tìm những chất xúc tác cho phản ứng này với hy vọng sản xuất được hydrogen mà tốn ít năng lượng hơn năng lượng hydrogen sẽ phát ra khi cháy nhưng chưa có ai thành công.

Hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, năng lượng lấy từ gió, mặt trời. Điện gió, điện mặt trời, nếu giá thành rẻ, có thể dùng để điện phân nước thành hydrogen. Nhưng giá thành điện gió, điện mặt trời hiện vẫn cao. Điện gió, điện mặt trời còn có nhược điểm không ổn định, không tập trung.

Năm 2022, ước tính toàn thế giới đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào năng lượng tái tạo. Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất, chiếm 55% đầu tư của toàn thế giới với xấp xỉ 150 tỷ USD cho điện mặt trời và 70 tỷ USD cho điện gió. Xếp sau Trung Quốc là Mỹ và châu Âu, trong đó Đức là quốc gia tiên phong đầu tư mạnh cho năng lượng tái tạo ở châu Âu.

Một phương án đầu tư khác để giảm phát thải CO2 đứng sau điện mặt trời và điện gió là thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon. Đây cũng là một hướng đầu tư lớn, mang lại hiệu quả cao nhưng còn nhiều khó khăn về kỹ thuật.

Giảm nhiên liệu hóa thạch, tăng sản phẩm hóa dầu

Còn một nguồn năng lượng mới nữa là nhiên liệu sinh học. Nhưng hiện nay, tỷ lệ nhiên liệu sinh học còn thấp, sản lượng của cả thế giới chỉ khoảng trên 100 triệu tấn/năm, quy mô phát triển đang chậm lại.

Lý do là xăng hay diesel sinh học đều được sản xuất từ những nguyên liệu ăn được hoặc từ những cây mọc trên đất nông nghiệp, nghĩa là cạnh tranh với nông nghiệp và lương thực.

Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các công ty dầu khí quốc gia cùng với chính phủ đang giữ ít nhất trên 50% trữ lượng dầu khí, còn các tập đoàn dầu khí tư nhân lớn chỉ chiếm hơn 10%.

Tuy nhiên, đây cũng là một áp lực trong điều kiện cả thế giới đang nỗ lực giảm tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong hoàn cảnh đó, nhiều công ty dầu khí đang cố gắng tìm hướng đi riêng cho mình, thích hợp và cân bằng giữa lợi nhuận trước mắt và hướng phát triển lâu dài. Nếu công ty nào không xoay chuyển, thích ứng kịp thì sẽ dễ dàng bị loại khỏi cuộc chơi.

Với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực dầu khí, GS,TSKH. Hồ Sĩ Thoảng đánh giá, nhân lực của ngành Dầu khí Việt Nam không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào, nhưng phải rèn luyện, phải học, phải biết hợp tác, liên kết, liên doanh.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cần phải hợp tác và học hỏi từ những công ty lớn sẵn sàng bỏ tiền ra để làm những dự án mạo hiểm trong các dự án về công nghệ sinh học, hydrogen... Đây là những dự án hoàn toàn mới, chưa được thương mại hóa.

GS,TSKH. Hồ Sĩ Thoảng lưu ý, trong xu thế chuyển đổi năng lượng như hiện nay, các trung tâm nghiên cứu của các đơn vị trong PVN phải hoạt động mạnh hơn nữa thì mới đủ sức hấp thụ những kiến thức mới của thế giới và áp dụng những công nghệ đó trong điều kiện của đất nước mình.

Do đó, cần phải tập trung đào tạo nhân lực, bao gồm đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài, đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau... Nhân lực Dầu khí rất giỏi, nhưng càng giỏi càng phải học.

Trước xu hướng chuyển dịch năng lượng, GS,TSKH. Hồ Sĩ Thoảng cho rằng, về khâu đầu, chúng ta vẫn sẽ phát triển mỏ trong nước, vẫn đầu tư ra nước ngoài. Trữ lượng dầu khí trên thế giới vẫn còn nên vẫn phải tiếp tục làm.

Đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài, cần lấy kinh nghiệm từ những dự án thành công để tiếp tục triển khai. Luật Dầu khí (sửa đổi) đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hơn để PVN phát triển. Nếu khó khăn về tài chính, chúng ta có thể quay lại hợp đồng sản phẩm PSC, đây là dạng hợp đồng đầu tiên chúng ta đã làm.

Về khâu sau, phải khảo sát và tìm những phương án để lĩnh vực hóa dầu phát triển. Trước hết, phải chuyển một phần lọc dầu sang hóa dầu.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã làm được một việc rất đáng khuyến khích là tăng olefin, giảm xăng, tạo ra những sản phẩm mới, đã có sự chuyển dịch nhất định.

Hiện nay, trên thế giới chỉ mới có 10% dầu được chuyển thành sản phẩm hóa dầu, còn 90% vẫn là chuyển thành nhiên liệu. Trong khi đó, nhu cầu về các sản phẩm hóa dầu đang tăng lên, cuộc sống càng văn minh, sản phẩm hóa dầu càng được sử dụng nhiều.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ lọc dầu sang hóa dầu cần thận trọng từng bước, nhưng phải quyết tâm và nghiên cứu kỹ nhằm tìm ra những giải pháp chi phí thấp hơn để tăng khả năng cạnh tranh - GS,TSKH. Hồ Sĩ Thoảng khuyến nghị./.

Cùng chuyên mục
Mục tiêu quan trọng của PVN là phát triển lĩnh vực hóa dầu