Theo đó, UBQLV giao tổng doanh thu năm 2023 của Công ty mẹ - VNR là 6.505 tỷ đồng, trong đó doanh thu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư là 3.850 tỷ đồng.
Cụ thể gồm doanh thu thực hiện Hợp đồng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2023 sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước với giá trị hợp đồng là 3.450 tỷ đồng và Hợp đồng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang năm 2023 theo Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước năm 2023 với giá trị hợp đồng là 400 tỷ đồng.
Cùng với đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của VNR được UBQLV giao là 3 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) lớn hơn 0%; không có nợ phải trả quá hạn; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1.
Đồng thời, VNR phải chấp hành chế độ, pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về thuế, thu nộp ngân sách, chế độ báo cáo tài chính, báo cáo giám sát tài chính và báo cáo khác, cũng như việc thực hiện kết quả thanh tra, kiểm tra.
Lãnh đạo UBQLV yêu cầu Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng Giám đốc VNR chịu trách nhiệm đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2023; các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp được giao; sử dụng các nguồn lực, nguồn vốn nhà nước có hiệu quả; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều hành hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Trao đổi về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch HĐTV VNR Đặng Sỹ Mạnh cho biết, sản lượng của VNR đạt 4.086,6 tỷ đồng, tương đương 115,4% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu đạt 3.763,9 tỷ đồng, tương đương 119,6% so với cùng kỳ.
Kết quả khả quan trên thể hiện sự đồng lòng và quyết tâm của hơn 2,1 vạn cán bộ công nhân viên, lao động ngành đường sắt, không ngừng tập trung nâng cao chất lượng, gia tăng dịch vụ vận tải đường sắt.
Nhiều sản phẩm vận tải hành khách được nghiên cứu, đưa vào khai thác phục vụ và đã nhận được phản hồi tích cực. Về vận tải hàng hóa, ngoài việc tổ chức khai thác các đoàn tàu hàng chuyên tuyến, tàu hàng nhanh, container và chạy thêm đoàn tàu liên khu đoạn, VNR đã tích cực nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng vận tải hàng hóa, nâng cao năng lực vận tải Liên vận Quốc tế bằng đường sắt.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, hoạt động đường sắt luôn cần sự điều hành tập trung thống nhất, đồng bộ từ hạ tầng, vận tải, cơ khí công nghiệp, kết nối các phương thức khác.
Thời gian qua, lãnh đạo các cấp đã dành sự quan tâm rất lớn cho đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt. Điển hình là gói đầu tư 7.000 tỷ đồng để nâng cấp đường sắt quốc gia, các gói trong kế hoạch trung hạn 2021-2026.
Bộ Chính trị đã có Kết luận về định hướng phát triển giao thông đường sắt đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; UBQLV cũng đang xem xét trình duyệt về chiến lược phát triển 10 năm, kế hoạch 5 năm, đề án tái cơ cấu VNR giai đoạn 2021-2025…
Nhờ đó, ngành đường sắt đã và sẽ từng bước đồng cấp tải trọng, nâng tốc độ chạy tàu, nâng cao năng lực thông qua, tháo gỡ dần các điểm nghẽn vận tải tại các khu ga, đảm bảo an toàn; tạo tiền đề cơ bản cho việc tổ chức hiệu quả vận tải hàng hóa và hành khách, tăng sản lượng doanh thu và từng bước nâng cao thị phần vận tải đường sắt, hạ giá thành logistics, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.