Chất vấn: Đổi mới và truyền thống

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội | 09/11/2023 06:21

(BKTO) - Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội. Các phiên chất vấn tại Kỳ họp này quả thực sôi động chưa từng thấy. Tính tranh luận và sự quyết liệt đã đạt được nhờ vào một số đổi mới về thủ tục. Đặc biệt là khi Quốc hội không còn lựa chọn trước một số ngành và một số quan chức để chất vấn, mà mọi quan chức đều có thể bị chất vấn theo lĩnh vực.

phien-chat-van.jpg
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Đổi mới này làm cho các phiên chất vấn của Quốc hội nước ta tiến sát với chuẩn mực và thực tiễn của quốc tế. Ngoài ra, tính tranh luận được tăng cường cũng là một nét mới nổi bật. Nhờ vào tranh luận, mà các vấn đề được mổ xẻ thấu đáo hơn; trách nhiệm giải trình cũng được xác lập rõ ràng hơn.

Nếu trước đây, theo dõi các phiên chất vấn của Quốc hội Việt Nam, một người nước ngoài đã từng nhận xét: “Tôi thật sự bất ngờ. Tính công khai, tính quyết liệt của hoạt động chất vấn có khi không thua kém gì ở nhiều nước phương Tây!”. Người nước ngoài này có thể còn bất ngờ hơn khi xem những phiên chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 này. Hoạt động chất vấn đang làm cho tính dân chủ và tính minh bạch của nền quản trị quốc gia đang được đẩy tới một tầm cao mới.

Thực ra, hoạt động chất vấn tại nghị trường ở Việt Nam có đã từ lâu. Ngay từ 77 năm trước, khi Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được bầu ra, thì hoạt động chất vấn đã được triển khai. Và người trả lời chất vấn của Quốc hội đầu tiên không phải là ai khác mà chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội được tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội và kéo dài từ ngày 23/10 đến ngày 09/11/1946, một Phiên chất vấn đã được tổ chức vào ngày 31/10. Chất vấn Chính phủ và các Bộ trưởng là hoạt động chưa từng có ở Việt Nam nên người dân đã háo hức kéo đến xem rất đông. Các tầng gác của Nhà hát lớn đều chật kín người. Họ đến đây để lần đầu tiên chứng kiến các đại biểu của mình chất vấn Chính phủ và các thành viên của Chính phủ. Tại Phiên chất vấn đó, Chính phủ và các thành viên của Chính phủ đã nhận được tất cả 88 câu hỏi. Là người trả lời chất vấn đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính phủ trước hết xin cảm ơn Quốc hội vì đã tỏ rõ Quốc hội hết sức quan tâm về những vấn đề của quốc gia và sự chất vấn này có thể biểu lộ được rõ ràng tinh thần dân chủ thật thà của nước Việt Nam…”. Kết thúc chất vấn, Người đã nói với Quốc hội: “Nếu trong Chính phủ có những người khác lầm lỡ thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi đồng bào”.

Như vậy, ngay từ 77 năm trước, hoạt động chất vấn với các chuẩn mực quốc tế đã được triển khai ở Quốc hội Việt Nam.

Trước hết, hoạt động chất vấn đã được triển khai để bảo đảm trách nhiệm giải trình. Người đứng đầu Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ phải trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội để giải trình về các vấn đề của đất nước và các phản ứng chính sách của mình. Ví dụ, khi đại biểu Trần Huy Liệu đã chất vấn rằng: “Tạm ước 14/9 là bất bình đẳng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải trình như sau: “Chính phủ không dám nhận như thế. Với bản Tạm ước ấy mỗi bên nhân nhượng một ít. Ta bảo đảm những quyền lợi kinh tế và văn hóa ở đây, thì Pháp cũng phải thi hành tự do, dân chủ ở Nam Bộ, thả các nhà ái quốc bị bắt bớ”.

Trách nhiệm giải trình được hiểu là các chính sách Chính phủ đề ra thì phải giải trình được với Quốc hội. Còn giải trình được thì còn được Quốc hội tín nhiệm, không giải trình được thì bị Quốc hội bất tín nhiệm. Bị Quốc hội bất tín nhiệm thì bắt buộc phải từ chức.

Điều đáng lưu ý là 77 năm trước, sau khi trả lời chất vấn xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ từ chức để trao quyền cho Quốc hội bầu ra Chính phủ mới. Cách ứng xử này thể hiện một văn hóa ứng xử chính trị rất cao. Việc chủ động từ chức đã giúp cho Quốc hội hết sức dễ dàng trong việc bày tỏ sự tín nhiệm hay bất tín nhiệm của mình. Sự thật là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có được sự tín nhiệm rất cao của Quốc hội và đã chính thức được bầu lại để đứng ra thành lập Chính phủ.

Thứ hai, hoạt động chất vấn tại nghị trường được tổ chức công khai. Nhà hát lớn Hà Nội đã thật sự được mở ra cho mọi người dân vào chứng kiến phiên chất vấn. Có lẽ, tính công khai của các phiên chất vấn của Quốc hội ngày nay cũng rất cao. Tuy nhiên, điều này đạt được là nhờ vào các công cụ truyền thông hiện đại như: Truyền thanh, truyền hình trực tiếp và phát trên internet. So với mức độ mở và sự tham gia chứng kiến trực tiếp của người dân, thì Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội năm 1946 vẫn là một đỉnh cao.

Cuối cùng, hoạt động chất vấn nghị trường ở Việt Nam có đã từ lâu. Thành tích chúng ta có được ngày hôm nay đã bắt nguồn từ 77 năm trước./.

Cùng chuyên mục
Chất vấn: Đổi mới và truyền thống