Năm 2020, hoạt động M&A ngành ngân hàng có thể sẽ sôi động trở lại

(BKTO) - Đó là nhận định của chuyên gia tài chính, ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu - trong cuộc trò chuyện đầu Xuân cùng phóng viên Báo Kiểm toán.



♦Thưa ông, là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ông đánh giá như thế nào về công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như hoạt động của các ngân hàng trong năm 2019 vừa qua?

         
   
   
TS. Nguyễn Trí Hiếu
   
- Năm 2019, NHNN đã thi hành chính sách tiền tệ linh hoạt, “liệu cơm gắp mắm”, có lúc bơm tiền ra ngoài, có lúc giảm lãi suất để hạ mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối hơn 70 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ, NHNN đã thực hiện chính sách tiền tệ thành công trong năm vừa qua.

Trong năm qua, nhiều ngân hàng hoạt động có lời với báo cáo lợi nhuận tương đối khả quan. Có điều, trong ngành tài chính, các ngân hàng có thể sử dụng nhiều cách hạch toán khá linh hoạt để điều chỉnh lợi nhuận. Chẳng hạn, các khoản lãi phải thu, trong đó, nhiều khoản lãi phải thu đến từ nhóm nợ xấu thật ra không còn khả năng thu nhưng một số ngân hàng vẫn hạch toán là khoản phải thu, từ đó làm tăng lợi nhuận. Hay vấn đề nợ xấu, nếu hạch toán đúng và đủ thì có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, âm vào vốn chủ sở hữu…

Một vấn đề được dư luận quan tâm là kết quả thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”. Vốn tự có của 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng như thế nào, hoạt động lời lỗ ra sao bởi theo nguyên tắc, ngân hàng phải có vốn điều lệ và vốn tự có tối thiểu là 3.000 tỷ đồng. Hay, ngân hàng bán nợ xấu cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tất cả những tài sản xấu đã được thay thế bằng tài sản tốt bởi trái phiếu của VAMC là trái phiếu của NHNN. Chúng ta không rõ yếu kém thật sự của một số ngân hàng là như thế nào.

Nói chung, hệ thống ngân hàng trong năm vừa qua, trên bề mặt thì hoạt động hiệu quả, có lãi, song cần phân tích, nghiên cứu thật rõ về mức độ lợi nhuận, thực chất những ngân hàng yếu kém đang trong tình trạng nào thì rất khó đoán định.

♦Vậy theo ông, trong năm 2020, các ngân hàng nên chú ý điều gì?

- Năm 2020 sẽ là năm có nhiều biến động và rủi ro cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng hết sức cẩn trọng cho vay bất động sản vì rất nhiều thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu. Chúng ta thấy, thị trường bất động sản đã chậm lại. Tôi không dự báo thị trường này sẽ rơi vào khủng hoảng, nhưng nếu không cẩn thận sẽ đi vào suy thoái, cung sẽ nhiều hơn cầu, đưa thị trường vào tình trạng giảm giá sâu. Điều này đã xảy ra ở Mỹ năm 2008 khi thị trường bất động sản mất giá một cách kinh khủng. Ở một vài tiểu bang, giá bất động sản xuống đến 50%, đưa cả thị trường, kéo cả nền kinh tế Mỹ và thế giới rơi vào khủng hoảng năm 2008.

Ở Việt Nam, nếu các ngân hàng tiếp tục đổ tiền vào bất động sản, nguồn cung tiếp tục tăng trong khi cầu chậm lại thì có thể gây ra tình trạng mất giá nhanh chóng, đẩy thị trường vào khủng hoảng. Trong những chu kỳ kinh tế mà tôi quan sát, khi bất động sản rơi vào khủng hoảng thường kéo theo cả nền kinh tế đi xuống. Bởi vậy, trong năm nay, các ngân hàng hết sức cẩn thận trong vấn đề sử dụng nguồn vốn, cung cấp vốn cho các dự án bất động sản.

♦Để có thể đón đầu cơ hội và vượt qua thách thức, ngành ngân hàng cần có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Đối với các ngân hàng, vấn đề quản trị rủi ro luôn là điều quan trọng. Năm nay, Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 41) và Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực sẽ tác động mạnh tới các ngân hàng trong việc cơ cấu lại hệ thống quản lý rủi ro.

Tôi nghĩ rằng, năm 2020, vấn đề quản trị rủi ro của các ngân hàng sẽ được tăng cường rất mạnh mẽ. Các ngân hàng buộc phải áp dụng Thông tư 41 ngay từ đầu năm, nếu chưa chuẩn bị kịp, NHNN có thể cho họ thêm thời gian trong năm để thực hiện. Nếu các ngân hàng tuân thủ những quy định của Thông tư 41, công tác quản lý rủi ro sẽ đảm bảo chặt chẽ hơn. Thế nhưng, cũng chính Thông tư 41 tạo chi phí cho các ngân hàng bởi việc áp dụng đòi hỏi chi phí đầu tư về công nghệ thông tin và con người. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, tất cả những chi phí đó là cái giá mà ngân hàng phải trả để tạo ra một hệ thống ngân hàng lành mạnh, hoạt động đúng theo chuẩn mực quốc tế.

♦Ông dự báo như thế nào về hoạt động của ngành ngân hàng trong năm nay?

- Theo tôi, năm nay, các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng và có lãi với mức tăng trưởng tín dụng 14%, vấn đề quản lý rủi ro, giải quyết nợ xấu vẫn tiếp tục được triển khai. Tuy vậy, năm 2020, các ngân hàng có thể phải đi đến mua bán, sáp nhập (M&A). Năm 2019, hoạt động M&A gần như bằng 0, việc gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài rất hạn chế, trừ một số ngân hàng lớn.

Năm 2020, tôi nghĩ rằng, việc các ngân hàng gọi vốn là rất cần thiết vì phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%. Nếu không đạt được mức đó, một số ngân hàng có thể bị kiểm soát đặc biệt. Nếu bị kiểm soát đặc biệt, trước hết, các ngân hàng có thể vay vốn của NHNN với những món vay ưu đãi. Thứ hai, các ngân hàng có thể sáp nhập với nhau tạo ra một ngân hàng lành mạnh hơn. Nếu tất cả những biện pháp này không thành công thì có thể ngân hàng sẽ phải phá sản.

Tôi nghĩ, năm 2020, chưa có ngân hàng rơi vào tình trạng phá sản, bởi đây là điều NHNN không mong muốn. Thế nhưng, trong vòng mấy năm tới, có lẽ chúng ta phải tính đến những biện pháp này nếu sau tất cả những cố gắng mà ngân hàng không vực lại được, không bổ sung được vốn chủ sở hữu đúng pháp định. Bởi vậy, năm nay, theo tôi, một số hoạt động M&A ngành ngân hàng có thể sẽ sôi động trở lại.

♦Xin trân trọng cảm ơn ông!

HỒNG NHUNG (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Năm 2020, hoạt động M&A ngành ngân hàng có thể sẽ sôi động trở lại