Nắm bắt cơ hội chuyển đổi, mạnh dạn áp dụng trí tuệ nhân tạo

(BKTO) - Các nhóm kiểm toán nội bộ (KTNB) đang dành quá ít nguồn lực cho những rủi ro hàng đầu mà tổ chức phải đối mặt, trong khi đó, khoảng cách giữa năng lực quản lý rủi ro và mức độ rủi ro ngày càng tăng - theo báo cáo “Tập trung vào tương lai năm 2024” của AuditBoard.

8-ket-qua-khao-sat-viec-su-dung-ai-trong-kiem-toan-noi-bo.-nguon-auditboard.png
Kết quả khảo sát việc sử dụng AI trong kiểm toán nội bộ. Nguồn AuditBoard

Nguồn lực chưa đảm bảo để giải quyết các rủi ro

Nhóm nghiên cứu của AuditBoard (nhà cung cấp nền tảng dựa trên đám mây để kiểm toán) nhấn mạnh rằng, các tổ chức đang phải đối mặt với một thời kỳ bất ổn kéo dài và các cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau. Tiếp nối xu hướng được xác định trong cuộc khảo sát năm 2023, những rủi ro hàng đầu năm 2024 được các nhà lãnh đạo KTNB xác định vẫn là an ninh mạng và dữ liệu (80%). Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng cho thấy, các nhóm rủi ro và KTNB vẫn đang dành quá ít nguồn lực để giải quyết các rủi ro chính này.

Theo đó, một số lãnh đạo KTNB đang trì hoãn các khoản đầu tư công nghệ quan trọng vào trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa. Có tới 75% người tham gia khảo sát vẫn chưa triển khai AI tổng quát trong KTNB; chỉ 40% hiểu rõ về cách sử dụng AI trong tổ chức và chỉ 25% đã xác định được rủi ro để tạo ra các hướng dẫn cho việc sử dụng AI.

KTNB với tầm nhìn xa đóng vai trò quan trọng giúp các tổ chức vượt qua những thách thức. Tuy nhiên, để làm điều đó một cách hiệu quả, các nhà lãnh đạo KTNB phải nắm bắt cơ hội chuyển đổi, ưu tiên lập kế hoạch chiến lược, quản trị công nghệ AI và hợp tác đa chức năng.

Richard F. Chambers - Cố vấn KTNB cấp cao của AuditBoard

Báo cáo tiết lộ rằng, tại thời điểm khảo sát, chỉ có 10% chức năng KTNB đang sử dụng các công nghệ AI tổng hợp, chẳng hạn như: ChatGPT, Domo và Beautiful.ai. Hơn nữa, có tới 2/3, thậm chí 3/4 nhóm KTNB chưa khám phá hoặc triển khai AI ở bất kỳ nhiệm vụ nào. Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ những rủi ro tiềm ẩn mà AI tạo ra khiến các kiểm toán viên tiếp cận công nghệ này một cách thận trọng. Ngoài ra, những hạn chế về ngân sách, thời gian và nhận thức về sự thiếu an toàn cũng góp phần gây ra sự do dự trong việc áp dụng AI.

AI đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy trong bối cảnh môi trường kinh doanh rộng mở. Nếu bỏ qua AI, KTNB không thể bắt kịp đà phát triển của chính tổ chức cũng như thị trường. Thực tế cho thấy, AI có nhiều điểm tương đồng với điện toán đám mây khi bị hoài nghi ở những ngày đầu ra mắt. Đến nay, điện toán đám mây đã được chấp nhận rộng rãi và các tổ chức cũng học cách tận dụng khả năng và các biện pháp bảo vệ nó.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, việc sử dụng các kế hoạch chiến lược của KTNB còn chậm trễ khi chỉ có 1/5 các các nhà lãnh đạo KTNB đã báo cáo về kế hoạch chiến lược toàn diện. Nếu không có tầm nhìn chiến lược về tương lai, bao gồm đánh giá rõ ràng về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, mối đe dọa, ưu tiên và các lĩnh vực dễ bị tổn thương, KTNB có thể gặp khó khăn trong việc nhận ra các hành động cần thiết để đảm bảo sự thành công của tổ chức, báo cáo của AuditBoard nhấn mạnh.

Tư duy chuyển đổi khi đối mặt với những rủi ro ngày càng gia tăng

Các chuyên gia của AuditBoard khuyến nghị rằng, KTNB có thể tận dụng những cơ hội mà AI mang lại theo hai hướng chính: Kết hợp AI vào quy trình kiểm toán; cung cấp hướng dẫn và đảm bảo cho tổ chức. Các công cụ AI (chẳng hạn như ChatGPT) có thể nâng cao khả năng lập kế hoạch và ra quyết định. Vì vậy, các kiểm toán viên nội bộ nên tự tìm hiểu về tiềm năng của AI và tận dụng các công nghệ AI thế hệ mới.

KTNB được định vị là nhân tố chính trong việc giúp các tổ chức hiểu cách sử dụng cũng như xác định rủi ro của AI, tư vấn về các quy trình và quản trị, giám sát tiến trình quy định, cung cấp sự đảm bảo về tính tuân thủ. Rõ ràng, ngay cả khi có nhiều thách thức, KTNB không nên trì hoãn việc đầu tư vào công nghệ AI vì nó mang đến nhiều cơ hội quan trọng cho nghề này.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một kế hoạch chiến lược dài hạn (có đánh giá, xem xét hằng năm) là cơ chế chính để nhà lãnh đạo KTNB chủ động quản lý và chuyển đổi chức năng KTNB. Kế hoạch này sẽ bao gồm: Chiến lược quản lý nhân tài toàn diện (nguồn cung ứng, tuyển dụng, cố vấn, nâng cao kỹ năng, giữ chân nhân tài, lập kế hoạch kế nhiệm); Xác định các khoảng trống về kỹ năng (trạng thái hiện tại và tương lai); Tầm nhìn tổng thể; Hồ sơ rủi ro được cập nhật thường xuyên của tổ chức. Không ai biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra ở phía trước và một kế hoạch chiến lược được phát triển tốt sẽ giúp KTNB xác định - giải quyết các câu hỏi, đồng thời tìm ra đòn bẩy cần thiết để ứng phó một cách hiệu quả với rủi ro.

Báo cáo của AuditBoard cũng nhấn mạnh thêm rằng, KTNB và nhóm quản lý rủi ro doanh nghiệp (ERM) cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thu hẹp khoảng cách rủi ro và giám sát hiệu quả các rủi ro mới nổi. Việc thiếu các phương pháp giao tiếp hiệu quả cũng như sự khác biệt trong quan điểm về rủi ro, tính độc lập là những trở ngại cho sự hợp tác. Ngoài ra, thói quen về làm việc cũng cản trở sự hợp tác giữa hai nhóm và KTNB cần chủ động khắc phục những điểm yếu này để gia tăng sự liên kết với các bộ phận liên quan.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, để gia tăng giá trị của KTNB, ngoài việc đầu tư về tài chính, năng lực, các nhóm KTNB cần phải có tư duy chuyển đổi, giao tiếp hiệu quả, hợp tác sâu rộng với các đồng nghiệp về rủi ro và tuân thủ, nâng cao khả năng xác định các rủi ro mới nổi, thực hiện quản lý chiến lược và mạnh dạn áp dụng các công nghệ mới nổi như AI. Đặc biệt, KTNB cũng phải truyền thông hiệu quả, kịp thời, trực quan, ngắn gọn, xác thực và tùy chỉnh theo nhu cầu tiếp cận thông tin của các bên liên quan khác nhau./.

Cùng chuyên mục
Nắm bắt cơ hội chuyển đổi, mạnh dạn áp dụng trí tuệ nhân tạo