Nam Định: Tăng cường quản lý, thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp

(BKTO) - Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nam Định vừa ban hành Quyết định số 19/2024/QĐ-UBND về Quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN), nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý, phát triển các CCN trên địa bàn.

l_kcn-hao-xa.png
Các dự án cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định có khả năng phát triển với quy mô lớn sẽ thành lập khu công nghiệp. Ảnh: ST

Theo đó, đối tượng áp dụng Quy chế quản lý CCN trên địa bàn tỉnh Nam Định gồm: Các cơ quan quản lý Nhà nước; chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN và các đơn vị có liên quan tới hoạt động quản lý, phát triển CCN.

Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh. Các nội dung quản lý gồm: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về CCN. Xây dựng, điều chỉnh, tích hợp phương án phát triển CCN vào Quy hoạch tỉnh. Công tác phối hợp đánh giá, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, thành lập, mở rộng CCN. Điều chỉnh, bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng CCN. Quy hoạch chi tiết xây dựng CCN. Lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường (cấp mới/cấp lại/cấp đổi/cấp điều chỉnh) của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Thu hồi đất, cho thuê đất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Tiếp nhận thực hiện các dự án đầu tư vào CCN. Quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích. Quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng CCN được đầu tư xây dựng hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách. Công tác thanh tra, kiểm tra.

Quy chế cũng quy định chuyển tiếp việc xử lý thành lập các CCN đã được phê duyệt trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ và có trong Phương án phát triển CCN thuộc Quy hoạch tỉnh, cụ thể: UBND cấp huyện rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các CCN, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đối với các CCN có đủ điều kiện để thành lập theo quy định thì UBND cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ gửi Sở Công Thương để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Đối với các CCN không đủ điều kiện để thành lập thì UBND cấp huyện có trách nhiệm rà soát, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành khác liên quan tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra khỏi Phương án phát triển CCN trong kỳ điều chỉnh Quy hoạch tỉnh.

Quy chế này có hiệu lực từ ngày 05/7/2024 và thay thế Quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các cấp và đơn vị liên quan trong việc quản lý Nhà nước đối với CCN trên địa bàn tỉnh Nam Định ban hành kèm theo Quyết định số 26/2010/QĐ-UBND ngày 16/11/2010 của UBND tỉnh.

Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh có 54 CCN với tổng diện tích khoảng 5.969 ha; giai đoạn 2031 – 2050 mở rộng một số CCN, nâng tổng diện tích CCN lên 8.703 ha.

Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện định hướng phát triển CCN theo Quyết định số 630/QĐ-UBND về việc phê duyệt, bổ sung quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Các dự án CCN có khả năng phát triển với quy mô lớn sẽ thành lập khu công nghiệp (KCN).

Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 10 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam với tổng diện tích 2.046ha. Trong đó, có 4 KCN đã hình thành, gồm: KCN Hòa Xá, KCN Mỹ Trung, KCN Bảo Minh, KCN Dệt may Rạng Đông.

Đến năm 2050, dự kiến Nam Định có 27 KCN với tổng diện tích 6.721ha./.

Cùng chuyên mục
Nam Định: Tăng cường quản lý, thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp