Ngày 20/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024 với chủ đề "Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh".
Đây là sản phẩm của VEPR được công bố liên tục trong 16 năm qua, tập trung phân tích một cách độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam.
Khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%
Thay mặt nhóm tác giả báo cáo trình bày tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết, năm 2023 kinh tế toàn cầu phục hồi chậm nhưng vượt các dự báo trước đó. Lạm phát giảm nhưng còn nhiều thách thức.
Thương mại toàn cầu giảm 1,2% so với năm trước, thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ tăng trưởng ngược chiều nhau. Số lượng các biện pháp hạn chế thương mại mới vẫn cao hơn mức trước đại dịch.
Điều kiện tài chính vẫn còn thắt chặt, các đồng tiền chủ chốt biến động ngược chiều nhau, gánh nặng nợ tăng cao và một loạt ngân hàng lớn phá sản...
Tại Việt Nam, trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện song tốc độ chậm và vẫn thấp hơn khoảng 1% so với mức tăng trưởng tiềm năng trước đại dịch Covid-19.
Tăng trưởng GDP quý 2/2024 ước đạt 6% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%. Tuy nhiên, đà phục hồi của các khu vực kinh tế còn chậm và thiếu đồng đều, nhất là khu vực tiêu dùng trong nước vẫn chưa hoàn toàn phục hồi.
Theo Báo cáo, năm 2024, kinh tế toàn cầu đang dần ổn định nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro về chính trị, kinh tế và công nghệ... Phân mảnh địa kinh tế ngày càng rõ nét. Chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức...
TS. Nguyễn Thị Vũ Hà cho rằng, chính những bất ổn của kinh tế toàn cầu sẽ giúp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ nhờ sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN. Thu hút thêm FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó là cơ hội phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ, các dự án xanh, AI, xe điện... do lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam phù hợp với xu hướng đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn đến từ với việc áp lực lạm phát toàn cầu, sự bất ổn địa chính trị, việc cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, những rào cản bảo hộ của các quốc gia liên quan đến xanh hóa, tín chỉ carbon, áp lực đầu tư lớn cho phát triển năng lượng tái tạo...
Chính vì vậy, báo cáo dự báo kịch bản tăng trưởng mục tiêu 6,5% khó có thể đạt được trong năm 2024 do sự thu hẹp trong khu vực công; cầu tiêu dùng còn yếu cả trong và ngoài nước, tác động tới chi tiêu khu vực tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu; tỷ giá rủi ro tăng trong nửa cuối năm 2024 được thúc đẩy rủi ro lạm phát và giảm động lực đầu tư khu vực tư nhân.
Áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hóa nền kinh tế. Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới"
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
Khuyến nghị giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5%
Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã gợi mở một số khuyến nghị chính sách quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% năm 2024.
Theo đó, trong ngắn hạn, cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm công cụ tài chính của chính sách tài khóa thúc đẩy tổng cầu; tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.
Do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, cần tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024 cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng. Có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể, và cần đi theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường góp phần thực thiện cam kết Net Zero vào năm 2050.
Cần có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa cacbon. Tiếp thêm vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, tăng cường cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thúc đẩy thực hiện xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm căn cứ cho các quỹ có thể bảo lãnh tín chấp.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo hài hoà, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp nói riêng, thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi tăng trưởng nói chung. Thúc đẩy đa dạng hoá các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng (nâng cao hiệu quả và tính minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các kênh dẫn vốn khác gắn với tín dụng xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cho thuê tài chính…)
Trong trung, dài hạn, PGS.TS Nguyễn Anh Thu cho rằng, cần hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số, như công nghệ phần mềm, kinh doanh nền tảng, thương mại điện tử để tạo ra động lực đổi mới sáng tạo.
Cần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Bố trí nguồn lực thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất lao động trong kế hoạch chi tiêu ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm (kể cả các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế) nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Nghiên cứu hoàn thiện mô hình phát triển nhà ở xã hội để khắc phục những hạn chế hiện nay. Thành lập doanh nghiệp nhà nước chuyên thực hiện phát triển nhà ở xã hội (đầu tư, quản lý nhà ở xã hội)...
Cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng, như tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; Tập trung tháo gỡ các khó khăn trên thị trường bất động sản, gói tín dụng nhà ở xã hội và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, như các giao dịch dân sự, thủ tục đầu tư, phòng cháy chữa cháy...); cải thiện môi trường kinh doanh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, cần ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô.../.