Quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu gặp trở ngại

(BKTO) - Báo cáo Thống kê Năng lượng Thế giới vừa công bố cho thấy mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và phát thải năng lượng toàn cầu đạt kỷ lục trong năm 2023. Dù tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong tổng các nguồn năng lượng toàn cầu có giảm nhẹ, nhu cầu sử dụng vẫn gia tăng mạnh mẽ tại các nước đang phát triển. Điều này đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp, khi thế giới đang đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

nang-luong-tai-tao-cnn.jpg
Tỷ trọng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch đã giảm xuống dưới 70% tại các nước châu Âu - Ảnh minh họa

Gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các nước đang phát triển

Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch gia tăng có thể là một trở ngại cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên tới 1,5 độ C, ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng các tác động như nhiệt độ tăng cao, hạn hán và lũ lụt sẽ trở nên khắc nghiệt hơn.

Ông Romain Debarre từ công ty tư vấn Kearney bày tỏ hy vọng báo cáo Thống kê Năng lượng Thế giới sẽ giúp các chính phủ, lãnh đạo thế giới và các nhà phân tích nhận thức rõ ràng về thách thức sắp tới.

Năm 2023 là năm đầu tiên Nga điều chỉnh dòng chảy năng lượng sang phương Tây, đồng thời cũng là năm đầu tiên không có những hạn chế đi lại lớn liên quan đến đại dịch COVID-19.

Báo cáo cho biết tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 620 Exajoule (EJ), đồng thời lượng khí thải vượt quá 40 gigaton CO2 lần đầu tiên.

Ông Simon Virley của công ty tư vấn KPMG cho biết trong một năm mà thế giới chứng kiến sự đóng góp của năng lượng tái tạo đạt mức cao kỷ lục mới, nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng từ nhiên liệu hóa thạch vẫn hầu như không thay đổi.Báo cáo đã ghi nhận những xu hướng thay đổi trong việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở các khu vực khác nhau.

Chẳng hạn như ở châu Âu, tỷ trọng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch giảm xuống dưới 70% lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.

Giám đốc điều hành Viện Năng lượng Nick Wayth cho biết ở các nền kinh tế phát triển, nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch đang gần đạt đỉnh, trái ngược với các nền kinh tế ở Nam gồm các quốc gia đang phát triển và kém phát triển ở châu Phi, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển ở châu Á, nơi mà phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống tiếp tục thúc đẩy sự gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo cho biết nhiên liệu hóa thạch chiếm gần như toàn bộ nhu cầu tăng tại Ấn Độ trong năm 2023, trong khi ở Trung Quốc, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng 6% lên mức cao mới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chiếm hơn 50% tổng số năng lượng tái tạo được bổ sung trên toàn cầu trong năm 2023.

Cần 4.000 tỷ USD mỗi năm để chuyển đổi năng lượng tái tạo

ngoai-te.jpg
Tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh trên thế giới cần khoản đầu tư lên tới 4.000 tỷ USD/năm - Ảnh minh họa

Còn theo Báo cáo Đầu tư Năng lượng Thế giới hằng năm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi dành cho nhiên liệu hóa thạch.

Theo báo cáo trên, tổng đầu tư năng lượng toàn cầu năm nay dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt 3.000 tỷ USD, trong đó khoảng 2.000 tỷ USD sẽ được dành cho các công nghệ sạch.

Trước đó, năm 2023, đầu tư vào năng lượng tái tạo và lưới điện lần đầu tiên đã vượt qua số tiền chi cho nhiên liệu hóa thạch.

Đầu tư vào năng lượng sạch năm nay của Trung Quốc ước tính đạt 675 tỷ USD, trong khi con số này của châu Âu dự kiến đạt 370 tỷ USD và Mỹ là 315 tỷ USD.

Điện Mặt Trời (quang điện) thu hút nhiều khoản đầu tư hơn bất kỳ công nghệ sản xuất điện nào khác, dự kiến sẽ tăng lên 500 tỷ USD trong năm 2024.

Dự báo đầu tư vào năng lượng tái tạo và hạt nhân để sản xuất điện sẽ gấp 10 lần lượng đầu tư vào năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, và dẫn đầu là năng lượng Mặt Trời, trong đó Trung Quốc đầu tư lớn nhất.

Theo IEA, việc cải thiện chuỗi cung ứng và giảm chi phí đang thúc đẩy đầu tư vào các dạng năng lượng sạch như năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưới điện, kho lưu trữ, nhiên liệu phát thải thấp, cải thiện hiệu suất và bơm nhiệt.

Giám đốc Điều hành IEA, ông Fatih Birol cho biết: “Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển mạnh mẽ, cũng như những cân nhắc về an ninh năng lượng.”

IEA nhận định việc đáp ứng các mục tiêu toàn cầu trung hạn nhằm giảm lượng khí thải carbon có hại sẽ đòi hỏi phải tăng gấp đôi đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới vào năm 2030.

Tuy nhiên, IEA cảnh báo "sự mất cân bằng và thiếu hụt lớn trong đầu tư năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới." Báo cáo cho biết đầu tư vào dầu khí toàn cầu dự kiến sẽ tăng 7% trong năm 2024, lên 570 tỷ USD, chủ yếu ở Trung Đông và châu Á.

Các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn còn ít đầu tư cho lĩnh vực năng lượng tái tạo với chỉ khoảng 300 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở những quốc gia này.

Còn theo báo cáo "Kịch bản chuyển đổi viện đầu tư" của Tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock thì tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh trên thế giới cần khoản đầu tư lên tới 4.000 tỷ USD/năm vào giữa những năm 2030. Con số này gấp đôi so với mức dự báo 2.000 tỷ USD hằng năm được đưa ra trước đó. Theo đó, để đạt được mức đầu tư này, BlackRock cho rằng kêu gọi các quốc gia tăng cường quan hệ đối tác giữa chính phủ và tư nhân, đặc biệt là tại khu vực giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo là châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng chuyên mục
Quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu gặp trở ngại