Nỗi lo trường, lớp học tạm vẫn đeo đẳng trước thềm năm học mới
Số phòng học tạm còn lớn
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước có trên 43.000 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến đại học. Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, năm vừa qua, các địa phương đã thực hiện xây dựng, sửa chữa các trường học, phòng học bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như các chương trình, đề án hỗ trợ cơ sở vật chất nguồn vốn từ ngân sách, huy động xã hội hóa, nguồn vốn trái phiếu chính phủ... Kết quả là đã xây dựng bổ sung được hơn 14.300 phòng học.
Tại tỉnh Kon Tum, trước thềm năm học mới, tỉnh đã đưa vào sử dụng 3 trường học mới, đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất các trường học còn lại; đầu tư xây mới 128 phòng học, trong đó đã xóa được 36 phòng học tạm; xây mới 59 nhà vệ sinh, làm mới 44 hệ thống nước sạch. Năm học mới 2019-2020 trên địa bàn tỉnh bắt đầu trong điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy khang trang, sạch đẹp và hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên để thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo.
Để chuẩn bị cho năm học 2019-2020, TP. HCM đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 1.364 phòng học mới. Còn theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, Hà Nội đã xây dựng 70 trường học mới và sửa chữa 387 trường với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đây là những địa bàn tập trung đông dân số, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp... nên áp lực thiếu trường, lớp học vẫn đè nặng lên 2 đô thị lớn nhất nước.
Trong khi trường, lớp học ở một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh thì tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các địa bàn miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp, số phòng học tạm vẫn còn nhiều. Hiện số phòng học ở các cơ sở giáo dục công lập là hơn 584.000 phòng nhưng trong số này chỉ có gần 75% là phòng học kiên cố, vẫn còn hơn 19% phòng học bán kiên cố và hơn 5% phòng học nhờ, phòng học tạm. Trong đó, một số tỉnh có tỷ lệ phòng học kiên cố ở mức rất thấp là: Hà Giang 53,2%; Tuyên Quang 51,1%; Cao Bằng 51,2%; Đắk Nông 54,7%; Bình Phước 52,5%...
Tại Quảng Trị, mặc dù được quan tâm đầu tư song do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa nên tỷ lệ trường học kiên cố trên địa bàn còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Cụ thể, toàn tỉnh hiện còn thiếu 265 phòng học, 512 nhà công vụ cho giáo viên, 757 phòng vệ sinh, 671 công trình nước sạch cho các trường học. Đặc biệt, tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, học sinh phải học tập trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng học xuống cấp, phòng học mượn tại nhà văn hóa cộng đồng…
Tăng đầu tư, ưu tiên vùng khó
Tình trạng thiếu thốn trường, lớp học được cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, đặc biệt là khi chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng từ năm học 2020-2021. Theo Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ÐT) Phạm Hùng Anh, để giải quyết bất cập, Bộ GD&ÐT đã chỉ đạo các địa phương xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, ưu tiên bảo đảm cho giáo dục tiểu học đủ mỗi lớp một phòng học. Ðối với các thành phố lớn và các địa phương tập trung đông dân cư, thiếu quỹ đất để xây thêm phòng học thì tùy từng trường hợp có thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có.
Bên cạnh đó, Bộ đang tích cực triển khai Ðề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, trong đó ưu tiên đầu tư cho các vùng khó khăn, miền núi. Mục tiêu là trong giai đoạn 2017-2020 sẽ đầu tư xây dựng 11.900 phòng học tiểu học kiên cố hóa và thay thế các phòng học tạm; xây dựng mới gần 8.000 phòng học cấp trung học cơ sở và gần 2.500 phòng học cấp trung học phổ thông. Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học; phấn đấu xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn mỗi lớp một phòng học đối với mầm non và tiểu học...
Cùng với sự vào cuộc của Bộ GD&ÐT, nhiều địa phương cũng đang nỗ lực xóa phòng học tạm, khắc phục tình trạng thiếu trường, lớp học. Theo Sở GD&ÐT tỉnh Bắc Giang, để chuẩn bị năm học mới cũng như sẵn sàng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở đã triển khai kế hoạch đầu tư, để đến hết năm 2019 sẽ giảm 23 phòng học tạm, 51 phòng học bán kiên cố, tăng 583 phòng học kiên cố cho giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, so với năm 2018; giáo dục trung học phổ thông đến tháng 5/2020 tăng 138 phòng học kiên cố so với cuối năm 2018…
Tương tự, Sở GD&ĐT Lào Cai cũng đang tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện kiên cố hóa trường lớp, xóa phòng học tạm, đảm bảo cho việc sinh hoạt, học tập của giáo viên và học sinh trong năm học mới 2019-2020. Hiện, các cơ quan chức năng trong tỉnh đang phối hợp thực hiện Đề án Xóa phòng học tạm, phòng học mượn giai đoạn 2019-2021. Từ nay đến 2020, Lào Cai đặt mục tiêu đầu tư khoảng 800 tỷ đồng để “xóa” toàn bộ phòng học tạm và tăng cường cơ sở vật chất nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả tốt nhất.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
(Theo Báo Kiểm toán số 36 ngày 5/9/2019)