Doanh nghiệp xã hội- mô hình tạo ra giá trị toàn diện

(BKTO) - DN xã hội là một mô hình rất nhân văn khi định hướng thành lập xuất phát từ các vấn đề xã hội, đưa ra những giải pháp để giải quyết các vấn đề, rồi mới hướng tới thiết kế sản phẩm, kinh doanh và tạo ra lợi nhuận. Việc tạo ra lợi nhuận lại được tái đầu tư để tiếp tục giải quyết các vấn đề xã hội.




Theo CIEM, Việt Nam đã tạo ra một hệ sinh thái khá phát triển cho DN xã hội- Ảnh: neu.edu.vn

Doanh nghiệp xã hội không ngừng phát triển

Sau nhiều năm xuất hiện và phát triển, Luật DN năm 2014 đã có những quy định chính thức thừa nhận về mặt pháp lý đối với DN xã hội. Ở nước ta, hiện có khoảng 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của DN xã hội. Cùng với đó, hàng chục nghìn tổ chức và DN có những đặc điểm của DN xã hội. Được đánh giá là đang hoạt động khá hiệu quả, các DN xã hội ở Việt Nam đã góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như: đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật..., tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội. Tuy nhiên, các DN xã hội hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn tài chính, đất đai và thực hiện các thủ tục pháp lý; năng lực quản lý điều hành của các DN xã hội còn yếu…

Đề cập đến quy mô của các DN xã hội, Báo cáo “Thúc đẩy phát triển khu vực DN tạo tác động xã hội tại Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho thấy, có tới 72% số DN xã hội có quy mô siêu nhỏ về doanh thu (dưới 3 tỷ đồng/năm), 28% còn lại nằm trong nhóm có doanh thu nhỏ. Tuy nhiên, có một số rất ít DN đã đạt quy mô vừa với doanh thu năm khoảng trên 100 tỷ đồng.

         
Hầu hết các DN xã hội có quy mô nhân lực nhỏ, 70% DN có dưới 20 nhân viên, nhưng 74% lao động đến từ nhóm người thiệt thòi trong xã hội và 90% là người dân địa phương. Hai lĩnh vực kinh doanh chính của các DN xã hội là: nông nghiệp, ngư nghiệp, thực phẩm (chiếm 32%); giáo dục - đào tạo (chiếm 30%). Các mục tiêu phát triển bền vững hàng đầu mà các DN xã hội có thể đóng góp nhiều nhất là công việc tốt và tăng trưởng kinh tế; sức khỏe tốt; không còn đói nghèo.
Theo ước tính, quy mô doanh thu trung bình của DN xã hội vào năm 2017 đạt 3,9 tỷ đồng/năm. Một phần nguyên nhân khiến quy mô của DN còn nhỏ là vì 40% số DN mới được thành lập với 3 năm kinh nghiệm; tuổi trung bình của DN xã hội là hơn 7 năm. Khoảng 30% số DN có hoạt động kinh doanh quốc tế có doanh thu nằm ở mức trên 3 tỷ đồng; 23% số DN có doanh thu trên 10 tỷ đồng là DN có hoạt động kinh doanh quốc tế.

Đáng chú ý, Báo cáo nêu rõ, mặc dù quy mô về doanh thu nhỏ nhưng 70% số DN xã hội hoạt động có lãi, 18% số DN đạt điểm hòa vốn, chỉ có 12% số DN đang ở trạng thái lỗ. Các DN lỗ và hòa vốn là những DN được thành lập gần đây (khoảng từ năm 2016 đến nay và đang ở giai đoạn khởi sự).

Chia sẻ về triển vọng phát triển trong tương lai, Báo cáo cho thấy, các DN bày tỏ sự khá lạc quan khi chỉ có 1% số DN cho rằng doanh thu sẽ giảm, 7% số DN dự báo giữ nguyên về doanh thu, trong khi có tới 92% số DN dự kiến tăng doanh thu với 34% số DN cho rằng sẽ tăng một cách đáng kể.

Bình luận về kết quả này, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM - nhấn mạnh, DN xã hội là mô hình tạo ra giá trị toàn diện, gồm giá trị xã hội, giá trị môi trường và giá trị kinh tế. Điều này có thể lý giải bởi tính đạo đức trong kinh doanh của mô hình này, tạo sự bền vững cả về uy tín và tài chính trong trung và dài hạn cho DN.

Tạo dựng hệ sinh thái thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội

Theo CIEM, Việt Nam đã rất tiến bộ trong việc đề cập và đưa đối tượng DN xã hội vào Luật DN năm 2014. Từ đó đến nay, Việt Nam đã tạo ra một hệ sinh thái khá phát triển cho khu vực DN này, bao gồm khung pháp lý, các tổ chức trung gian, ươm tạo, các chính sách về khởi nghiệp, sự ủng hộ của cộng đồng, các hoạt động đào tạo nghiên cứu.

Bà Catherine Phương - Trợ lý Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam - cũng đánh giá, Việt Nam có hệ sinh thái khởi nghiệp rất ấn tượng, tạo điều kiện cho các DN xã hội phát triển nhanh chóng. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khu vực DN xã hội, tuy nhiên, những chính sách này cần được bổ sung thêm các hoạt động thúc đẩy thực hiện chính sách.

Các chuyên gia của CIEM cũng cho rằng, hệ sinh thái phát triển DN xã hội vẫn thiếu các chính sách cụ thể. Vì thế, cần phát triển kinh tế tuần hoàn như là giải pháp hướng đến phát triển bền vững mà trong đó DN có thể tham gia vào để tạo việc làm, cũng như đổi mới sáng tạo, tạo ra các nền công nghiệp xanh. Đồng thời, cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng hơn về DN xã hội để từ đó áp dụng các cơ chế ưu đãi về thuế cho phù hợp; có cơ quan chuyên trách về kinh doanh tạo tác động xã hội; thiết lập mạng lưới, hiệp hội DN xã hội. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển thị trường cho khu vực DN xã hội thông qua tăng cường mua sắm công; thiết lập mạng lưới kết nối, thúc đẩy quan hệ đối tác trong và ngoài khu vực DN xã hội, thúc đẩy hợp tác DN trong nước và quốc tế…

Đại diện của UNDP tại Việt Nam khuyến nghị, để các DN xã hội phát triển bền vững, cần phải có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận vốn và các nguồn lực tài chính; hỗ trợ tiếp cận, phát triển thị trường và mở rộng quy mô DN; miễn, giảm thuế thu nhập cho phần lợi nhuận mà DN xã hội giữ lại để tái đầu tư cho mục đích giải quyết các vấn đề xã hội.

Từ thực tế, một DN xã hội tại Lào Cai đề xuất, để thực sự hỗ trợ cho các DN xã hội thì chính quyền địa phương cần ban hành kế hoạch hành động và thực hiện các chính sách hỗ trợ một cách cụ thể và đầy đủ.

Q. ANH
(Theo Báo Kiểm toán số 36 ngày 5/9/2019)
Cùng chuyên mục
  • Nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý đầu tư  xây dựng của ngành văn hóa
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nhiều dự án của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) cho dù đã được chú trọng đầu tư nhưng lại liên tục trễ tiến độ do những sai sót trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.
  • Đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Mặc dù là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc song đến nay vẫn còn khoảng hơn 1 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) chưa tham gia BHYT. Vì vậy, để thực hiện bao phủ 100% BHYT đối với nhóm đối tượng này, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang đề xuất Chính phủ nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho HSSV.
  • Cựu binh Pháp tặng tranh Hồ Chủ tịch cho Việt Nam sau 70 năm gìn giữ
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Gìn giữ bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 70 năm qua, nay, cựu chiến binh binh người Pháp, ông Pierre Flamen đã quyết định trao tặng bức tranh quý giá trên cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (Việt Nam) với mong muốn tranh sẽ được giới thiệu đến công chúng, thể hiện tình yêu của người cựu binh Pháp với Việt Nam.
  • Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Hồng huy động gần 690.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2019 của vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đạt khoảng 689.798 tỷ đồng, chiếm 32,5% của cả nước; trong đó, giai đoạn II (2016- 2019) cao gấp 2 lần so với giai đoạn I (2010- 2015).
  • Lỗ hổng trong quản lý đào tạo,  cấp văn bằng, chứng chỉ
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cơ sở đào tạo đại học (ĐH) ngang nhiên đào tạo “chui”, gian lận trong cấp phát văn bằng cho hàng nghìn học viên tồn tại suốt nhiều năm nhưng không bị phát hiện, xử lý. Sự việc đã cho thấy những yếu kém lẫn lỗ hổng và sự thiếu minh bạch trong việc quản lý đào tạo, cấp văn bằng của cơ quan quản lý lẫn các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay.
Doanh nghiệp xã hội- mô hình tạo ra giá trị toàn diện