Kỳ vọng thị trường bất động sản bước vào chu kỳ phát triển mới

(BKTO) - Khép lại năm 2024, thị trường bất động sản (BĐS) đã bước qua giai đoạn khó khăn kéo dài với nhiều kết quả phục hồi tích cực. Đây là nền tảng để kỳ vọng năm 2025, thị trường BĐS sẽ “chuyển mình”, bước vào chu kỳ phát triển mới theo hướng ổn định, lành mạnh, bền vững hơn.

13.jpg
Thị trường BĐS đã bước qua giai đoạn khó khăn, đang phục hồi tích cực. Ảnh minh hoạ

Thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất

Nhìn lại năm 2024, đánh giá chung về “chuyển động” của thị trường BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong năm qua, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương cụ thể hoá các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, doanh nghiệp. Cùng với đó, hành lang pháp lý mới liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở và kinh doanh BĐS có hiệu lực sớm, không chỉ giúp tháo gỡ sớm các vướng mắc hiện tại của các dự án, mà còn thúc đẩy các thành phần tham gia vào thị trường điều chỉnh năng lực, hành vi theo hướng tích cực hơn… Nhờ đó, thị trường BĐS đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Biểu hiện là, thị trường BĐS ghi nhận đã có sự gia tăng mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về sản phẩm BĐS của khách hàng, nhà đầu tư; lượng giao dịch nhà, đất có xu hướng tăng quý sau cao hơn quý trước; nguồn cung nhà ở sau một thời gian dài còn hạn chế đã dần được cải thiện với việc hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán…

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2024, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp đã xử lý 191/191 kiến nghị liên quan đến 210 dự án BĐS.

Cũng bày tỏ vui mừng trước những chuyển biến tích cực của thị trường BĐS, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) chia sẻ, sau một thời gian dài chìm trong khó khăn, thị trường BĐS đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về nguồn cung, lượng giao dịch. Cụ thể, theo kết quả khảo sát của VARS, về nguồn cung, năm 2024, trên thị trường cả nước có khoảng 81.000 sản phẩm được cung cấp ra thị trường, tăng 50% so với năm 2023; trong đó, tổng số sản phẩm chào bán mới là 65.376 sản phẩm, gấp khoảng 3 lần so với năm 2023. Về lượng giao dịch, trong năm 2024, toàn thị trường ghi nhận có hơn 47.000 giao dịch thành công, cao gấp gần 3 lần so với năm 2023, tương đương với tỷ lệ hấp thụ đạt 72%. Đáng chú ý, hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp đến từ nhu cầu đầu tư, cho thấy sức hút lớn của thị trường đối với giới đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi…

Mặc dù đánh giá thị trường BĐS đang trong tiến trình phục hồi, song thẳng thắn nhìn nhận ông Đính cho rằng thị trường vẫn còn một số điểm quan ngại. Chẳng hạn như, dù nguồn cung có sự cải thiện, song vẫn còn thiếu và yếu so với nhu cầu nhà ở thực tế của thị trường, bởi ước tính nhu cầu nhà ở mỗi năm sẽ tăng thêm gần 1 triệu đơn vị tại các khu vực đô thị. Ngoài ra, việc cải thiện nguồn cung nhà ở vẫn mang tính cục bộ, với khoảng 70% nguồn cung chủ yếu vẫn thuộc về phân khúc chung cư cao cấp, thị trường rất thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Đặc biệt, giá bán nhà ở tại các thành phố lớn liên tục thiết lập mặt bằng cao mới, vượt xa khả năng chi trả của đại đa số người dân, gây khó khăn cho người dân trong việc tìm kiếm cơ hội sở hữu nhà ở. Đơn cử, năm 2024, tại thị trường TP. Hà Nội, mặt bằng giá nhà ở ghi nhận tăng khoảng 72,4%; tại TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 34,3% so với năm trước…

Nhiều “lực đẩy” kỳ vọng hỗ trợ thị trường phát triển

Bước sang năm 2025, theo các chuyên gia, thị trường BĐS được dự báo vẫn tiếp tục tiến trình phục hồi nhờ có một số động lực thúc đẩy. Yếu tố thuận lợi đầu tiên theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đó là, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% và phấn đấu đạt cao hơn trong điều kiện thuận lợi. Với việc cả hệ thống chính trị nỗ lực để đạt mức tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo nên sức “nóng” lan toả ra các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS. Cùng với đó, hàng loạt dự án giao thông, hạ tầng lớn sẽ được khởi công, cũng như nhiều dự án lớn được thúc tiến độ hoàn thành, sẽ tạo nên những điều kiện thuận lợi hỗ trợ quá trình phục hồi của thị trường BĐS.

Chỉ ra thêm “lực đẩy”, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, tín dụng BĐS đang tăng trưởng ổn định. Năm 2024, dư nợ tín dụng BĐS ước đạt khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 21 - 22% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy dòng vốn đang được khơi thông, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường BĐS. Cùng với dòng vốn tín dụng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang “rót” mạnh vào thị trường BĐS (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo), cho thấy các nhà đầu tư ngoại đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường BĐS Việt Nam. Đặc biệt, sau gần nửa năm triển khai 3 luật mới, thị trường BĐS đang dần “ngấm” chính sách hơn, từ đó sẽ tiếp tục tạo nên những chuyển động tích cực mới của thị trường…

Cùng với những yếu tố thuận lợi tạo nên “lực đẩy”, về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - cho biết, để hỗ trợ thị trường BĐS phát triển, trong năm 2025, Bộ sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS. Trong đó, trọng tâm là giải quyết hiệu quả việc mất cân đối nguồn cung, dư thừa sản phẩm BĐS cao cấp và thiếu hụt các sản phẩm nhà ở giá bình dân, nhà ở xã hội; tăng cường thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá BĐS…, trên cơ sở Bộ sẽ bám sát các quy định của Luật Kinh doanh BĐS mới, sử dụng hợp lý các công cụ để điều tiết và định hướng thị trường.

Dự báo về thị trường BĐS nhà ở năm 2025, một số đơn vị nghiên cứu về thị trường BĐS đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng. Cụ thể, kịch bản lý tưởng, nguồn cung mới tăng mạnh 40 - 50%, giá bán tăng 15 - 20% và tỷ lệ hấp thụ đạt 40 - 45%. Đây là kịch bản lạc quan nhất, kỳ vọng mở ra chu kỳ phát triển mới của thị trường. Kịch bản kỳ vọng, nguồn cung mới tăng 30 - 40%, giá bán tăng 10 - 15% và tỷ lệ hấp thụ đạt 35 - 40%. Đây là kịch bản khả thi nhất, phản ánh sự tăng trưởng được cải thiện tích cực hơn của thị trường. Kịch bản thách thức, nguồn cung mới tăng 20 - 30%, giá bán tăng 5 - 10% và tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 30 - 35%. Đây là kịch bản cẩn trọng nhất, dự phòng cho các tình huống chuyển biến ngoài dự liệu./.

Cùng chuyên mục
  • Sản phẩm OCOP vẫn gặp khó trong tìm đầu ra
    5 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần thay đổi tình hình sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Song để nhân rộng chương trình, các ý kiến cho rằng ngoài việc đảm bảo chất lượng, cần chú trọng đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là thông qua các kênh phân phối uy tín như siêu thị, cửa hàng tiện ích…
  • Quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Cần chọn phương án tối ưu
    5 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo phương án đề xuất của Bộ Nội vụ, sau khi kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV), 18 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) hiện đang giao cho UBQLV quản lý sẽ được chuyển về Bộ Tài chính quản lý; còn Tổng công ty Viễn thông Mobifone sẽ được chuyển về Bộ Công an quản lý.
  • Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025: Kỳ vọng tăng tốc!
    5 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - 4.400 tỷ đồng là giá trị thanh khoản bình quân một ngày trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thứ cấp năm 2024, tăng 77,68% so với năm 2023. Giới phân tích kỳ vọng, năm 2025, thị trường sẽ tăng trưởng vượt bậc nhờ niềm tin nhà đầu tư dần hồi phục và những thay đổi chính sách tích cực đang được triển khai.
  • Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay phát triển sản xuẩt kinh doanh
    5 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện và động lực khích lệ nông dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập hộ gia đình...
  • Hà Giang: Một số dự án đầu tư đã giải ngân trên 90% kế hoạch vốn giao
    5 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Mới đây, Lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã kiểm tra thực tế tiến độ Dự án Đập dâng nước tạo cảnh quan Trung tâm TP. Hà Giang và Dự án Khu liên hợp thể thao và văn hóa tỉnh Hà Giang. Kết quả kiểm tra cho thấy, đến nay, các hạng mục của 2 dự án này cơ bản hoàn thành và đã giải ngân trên 90% kế hoạch vốn giao.
Kỳ vọng thị trường bất động sản bước vào chu kỳ phát triển mới