Nâng cao chất lượng kiểm toán môi trường tại nhà máy nhiệt điện than

(BKTO) - Thực tiễn cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, các cuộc kiểm toán môi trường tại nhà máy nhiệt điện than (NĐT) vẫn còn những vướng mắc do thiếu các quy định. Để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán này, cùng với việc xác định rõ mục tiêu, phương pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường, các chuẩn mực và hướng dẫn…

quy-hoach-phat-trien-dien-luc-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-2045-quy-hoach-dien-viii-.png
Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn 2045 (Quy hoạch Điện VIII)

Còn vướng mắc do thiếu các quy định về kiểm toán môi trường

Theo nghiên cứu của ThS. Nguyễn Việt Hà (Văn phòng KTNN) và ThS. Đỗ Văn Hữu (KTNN chuyên ngành III), hiện nay, KTNN đã triển khai một số cuộc kiểm toán môi trường, nổi bật trong đó có cuộc kiểm toán hoạt động công tác quản lý môi trường của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tỉnh Bình Thuận năm 2019.

Cuộc kiểm toán này được thực hiện nhằm đánh giá: Tính hiệu lực và tuân thủ trong công tác quản lý môi trường của cơ quan hữu quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; tính tuân thủ và hiệu lực của công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong giai đoạn thi công và vận hành Nhà máy; tác động môi trường của quá trình thu gom, vận chuyển và lưu giữ tro xỉ, khí thải và nước thải.

Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều hạn chế trong công tác quản lý môi trường. Cụ thể, Bộ Công Thương không quan tâm đúng mức và đầy đủ đến công tác BVMT, đặc biệt là đánh giá tác động của khối lượng lớn tro xỉ, khí thải và nước thải; hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về BVMT không được thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành quy định, hướng dẫn về quản lý chất thải công nghiệp rắn thông thường và khí thải công nghiệp, dẫn đến Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nói riêng và tất cả các nhà máy nhiệt điện nói chung trên toàn quốc chưa đăng ký, cấp phép xả khí thải công nghiệp theo quy định.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 còn nhiều sai phạm liên quan đến việc không tuân thủ các quy định BVMT, khai thác, sử dụng nguồn nước biển và xả nước thải vào nguồn nước khi chưa được cấp giấy phép; chưa lập đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ trước khi vận hành; chưa thực hiện đăng ký chủ nguồn khí thải công nghiệp theo quy định; chôn lấp tro bay khi chưa phân định về ngưỡng chất thải nguy hại; chưa có biện pháp giám sát chặt chẽ, liên tục đối với chất lượng nước thải tái sử dụng, tiềm ẩn rủi ro khi sử dụng tưới vào tro, xỉ…

Mặc dù kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều sai phạm, bất cập liên quan đến công tác BVMT nhưng việc tổ chức, triển khai kiểm toán vẫn còn vướng mắc do Luật BVMT chưa quy định đầy đủ và toàn diện về vai trò của KTNN trong công tác BVMT. Luật KTNN cũng chưa có quy định cụ thể về kiểm toán môi trường, nhất là các quy định về phối hợp với các đơn vị được kiểm toán.

Ngoài ra, các luật hiện hành thiếu quy định cụ thể về việc kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động tác động tới môi trường. Vì vậy, khi phát hiện nguy cơ tiềm ẩn rủi ro liên quan đến môi trường, KTNN chỉ có thể kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử phạt, không thể trực tiếp kiểm toán.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả, các cuộc kiểm toán môi trường tại nhà máy NĐT cần được xác định cụ thể mục tiêu. Các phương pháp kiểm toán được áp dụng gồm: Nghiên cứu hệ thống các văn bản chính sách, pháp luật, chỉ đạo, điều hành, quy hoạch về công tác quản lý, BVMT; tổng hợp, thống kê, phân tích và so sánh; chọn mẫu hồ sơ.

Kiểm toán viên (KTV) cũng có thể áp dụng phương pháp kiểm tra, quan sát hiện trường tại nhà máy NĐT để đánh giá việc xây dựng, vận hành hệ thống xử lý chất thải, quy trình thu gom, phân loại, kho lưu giữ chất thải; sử dụng đơn vị tư vấn để lấy mẫu, quan trắc môi trường đối với chất lượng không khí, nước và môi trường đất tại nhà máy NĐT.

Mục tiêu của các cuộc kiểm toán môi trường tại nhà máy NĐT là: Đánh giá tính hiệu lực và tuân thủ trong hoạt động quản lý, BVMT đối với nhà máy NĐT; chỉ ra các hạn chế, tác động tiêu cực tới môi trường để kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý và hoạt động của đơn vị, hoàn thiện các cơ chế, chính sách; cung cấp kết quả, kiến nghị kiểm toán kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát trong quá trình quản lý, BVMT.

Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, quy hoạch, kế hoạch về BVMT, KTV cần thu thập các văn bản về đánh giá sức chịu tải của môi trường, việc phân vùng tiếp nhận nước thải, chất lượng nước thải; các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về BVMT tại địa phương; báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy phép xả nước thải, khai thác tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản. Ngoài ra, KTV cần nắm rõ quy trình thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất trong quản lý, BVMT...

Đối với các chủ đầu tư nhà máy NĐT, KTV cần thu thập các hồ sơ, thủ tục môi trường đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; các báo cáo về môi trường và hồ sơ tài liệu kèm theo; cơ cấu tổ chức, bộ máy, quy định nội bộ về quản lý môi trường; báo cáo quan trắc định kỳ, đột xuất; báo cáo quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; các dữ liệu quan trắc tự động, liên tục; hồ sơ thiết kế hạng mục xây lắp, thiết bị và các quyết định phê duyệt; sổ nhật ký vận hành thiết bị, hệ thống xử lý chất thải...

Dựa trên các trang thiết bị, phần mềm, công cụ giám sát môi trường hiện đại, KTV cần tận dụng triệt để công nghệ vào hoạt động kiểm toán để phục vụ việc thu thập thông tin, phân tích và xử lý dữ liệu. Đồng thời, KTNN xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, kiểm toán môi trường, hoàn thiện các chuẩn mực và hướng dẫn, tài liệu chuyên sâu đối với từng lĩnh vực.

Kiểm toán môi trường là lĩnh vực mới và khó, vì vậy, KTNN cần thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn KTV vận hành phần mềm, ứng dụng trọng tâm trong quá trình kiểm toán như: Hệ thống giám sát, theo dõi chất lượng môi trường nước, không khí tự động; hệ thống quan trắc môi trường tự động; hệ thống theo dõi, giám sát tình hình cấp phép, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo cơ hội cho các KTV tham gia các cuộc kiểm toán môi trường do các cơ quan kiểm toán tối cao thực hiện để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này.

KTNN cần phối hợp và chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong lĩnh vực môi trường. Đặc biệt, chú ý khai thác thông tin của các đơn vị liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan khác tại địa phương để phục vụ công tác khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng kiểm toán môi trường tại nhà máy nhiệt điện than