Bảo đảm chất lượng gắn với thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Bước sang năm 2023, việc triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán (KHKT) được dự báo là tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhìn nhận rõ bối cảnh và tác động đến hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị tập trung mọi nguồn lực tốt nhất để triển khai kiểm toán theo KHKT đúng trọng tâm, đảm bảo chất lượng gắn với thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

b.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu tập trung triển khai, bám sát nội dung, trọng yếu kiểm toán. Ảnh: N.LỘC

Tích cực triển khai công tác kiểm toán

Xác định những tháng đầu năm là thời điểm tập trung nhiều nhiệm vụ quan trọng, khối lượng công việc lớn do các đơn vị kiểm toán phải hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán kéo dài từ năm 2022; cũng như chuẩn bị cho nhiệm vụ kiểm toán năm 2023, KTNN đã tập trung tối đa nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, tính đến hết quý I/2023, toàn Ngành đã hoàn thành 234/234 đoàn kiểm toán thuộc KHKT năm 2022, phát hành chính thức 360 báo cáo kiểm toán của 233 đoàn kiểm toán (còn lại Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và Báo cáo nợ công năm 2021); tổ chức xét duyệt và triển khai 40 đoàn kiểm toán thuộc KHKT năm 2023.

Đặc biệt, để chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ kiểm toán năm 2023, KTNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện, tạo thuận lợi cho các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên trong triển khai kiểm toán đảm bảo thống nhất, đúng yêu cầu. Trong đó, trọng tâm là hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu; việc tổ chức thực hiện KHKT năm 2023 với yêu cầu nâng cao chất lượng, tránh chồng chéo và tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ; phương án tổ chức kiểm toán năm 2023...

Đề cập đến nhiệm vụ công tác của đơn vị, ông Tuấn cho biết, hiện Vụ đang đẩy nhanh việc tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2022; hoàn thiện Báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo nợ công năm 2021 để báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước và thực hiện yêu cầu công khai kết quả kiểm toán theo đúng quy định.

Lưu ý các đơn vị kiểm toán quan tâm đến công tác kiểm soát, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, giúp hạn chế tối đa các rủi ro, sai sót có thể xảy ra đối với hoạt động kiểm toán, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Nguyễn Lương Thuyết cho biết, trong quý I, Vụ đã thực hiện các hình thức giám sát đối với 36 cuộc kiểm toán. “Các đoàn kiểm toán đã lập báo cáo tiến độ đúng thời gian quy định; kiểm toán viên ghi chép nhật ký cơ bản đầy đủ; Kiểm toán trưởng đã thành lập Tổ Kiểm soát chất lượng kiểm toán để tăng cường kiểm soát tại chỗ...” - Vụ trưởng Nguyễn Lương Thuyết cho biết.

Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Nguyễn Anh Tuấn, sau khi KHKT của Ngành được ban hành, đơn vị đã nhanh chóng triển khai công tác khảo sát, thu thập thông tin, lập KHKT chi tiết và phương án kiểm toán, trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đang tích cực triển khai thực hiện kiểm toán theo KHKT được giao với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, nỗ lực cao nhất. “Đặc biệt, đơn vị đã tổ chức các Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán thực hiện kiểm soát tất cả các cuộc kiểm toán để tăng cường chất lượng, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kiểm toán” - Kiểm toán trưởng Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tập trung kiểm toán có trọng tâm gắn với phòng, chống tham nhũng

Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán trong bối cảnh tình hình có nhiều thay đổi, với yêu cầu đặt ra cho KTNN ngày càng cao, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán và đơn vị có liên quan tập trung nhiệm vụ kiểm toán đảm bảo đúng trọng tâm, trọng yếu, gắn với thực hiện phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán.

Theo Vụ Tổng hợp, năm 2023, bên cạnh các nhiệm vụ kiểm toán thường xuyên, theo định hướng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN sẽ tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ kiểm toán quan trọng để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, một trong những yêu cầu về trọng yếu được lưu ý, đó là các đoàn kiểm toán cần tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách có ảnh hưởng rộng, lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, nhằm phát hiện các bất cập, vướng mắc để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật đảm bảo chặt chẽ; tăng cường pháp chế, kỷ luật, kỷ cương; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính công, tài sản công, bịt lỗ hổng cơ chế, chính sách nhằm ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, tham nhũng. “Qua tổng hợp cho thấy, cùng với việc vào cuộc từ sớm, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ kiểm toán, các đơn vị kiểm toán cũng đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng kiểm toán, cũng như phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán” - lãnh đạo Vụ Tổng hợp thông tin.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra theo đúng yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước, tại Hội nghị giao ban toàn ngành KTNN quý I/2023, các ý kiến cho rằng các đơn vị kiểm toán cần tăng cường quán triệt, phổ biến rộng rãi trong toàn đơn vị về các văn bản của Ngành quy định về hoạt động kiểm toán, chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, trong đó trọng tâm là Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; Công văn số 37/KTNN-TH về hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023; Chỉ thị số 92-CT/BCSĐ của Ban cán sự đảng KTNN về việc xử lý các sai phạm có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm toán.

Dựa trên KHKT, phương án tổ chức kiểm toán và hướng dẫn về mục tiêu, trọng yếu kiểm toán, các đơn vị, đoàn kiểm toán cần vận dụng linh hoạt trong thực tiễn kiểm toán để đạt được kết quả cao nhất. Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm cho biết, với đặc thù là phạm vi kiểm toán rộng, nhiều đối tượng liên quan, các cuộc kiểm toán ngân sách tương đối phức tạp. Chỉ riêng lĩnh vực thu ngân sách cũng có nhiều nội dung như: Công tác lập, giao, thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước; công tác quản lý thu thuế, phí, lệ phí… Do đó, nếu không bám sát trọng yếu kiểm toán, đoàn kiểm toán sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn. Đồng thời, đoàn kiểm toán cũng phải chú ý hơn đến các dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực được phát hiện qua kiểm toán để kiến nghị xử lý kịp thời, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với KTNN./.

Các đơn vị tăng cường chỉ đạo các đoàn kiểm toán tập trung vào nhiệm vụ kiểm toán, bám sát KHKT và các quy định, hướng dẫn của Ngành; trong đó chú trọng việc kiểm soát từ sớm nhằm ngăn ngừa rủi ro, sai sót gây ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán cần đặc biệt coi trọng việc phát hiện, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ nội bộ đoàn kiểm toán đến phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.

- Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn- 

Cùng chuyên mục
Bảo đảm chất lượng gắn với thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực