Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong phòng chống tham nhũng

(BKTO) - Sáng 20/4, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Họp Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” do Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn làm Chủ nhiệm Đề tài.

1(1).jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Ảnh: Nguyễn Ly

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu và Ban Đề tài.

Đại diện Ban nghiên cứu Đề tài, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, thành viên chính Ban Đề tài cho biết: Một trong những nhiệm vụ luôn được xác định từ khi thành lập đến nay của KTNN là thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công để góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí (TNTCLP).

Do đó, trong quá trình phát triển và hoạt động, ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chung trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN ngày càng chú trọng đến việc tham gia, phát huy vai trò đối với công tác phòng, chống TNTCLP thông qua việc không ngừng hoàn thiện pháp luật, các phương pháp nghiệp vụ kiểm toán, không ngừng nâng cao năng lực công nghệ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.

2(2).jpg
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - đại diện Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Thực tiễn hoạt động kiểm toán cho thấy, mặc dù KTNN đã đạt được những đóng góp nhất định trong phòng, chống TNTCLP song kết quả còn nhiều hạn chế. Vai trò của kiểm toán đối với phòng, chống TNTCLP còn chưa tương xứng với địa vị pháp lý của KTNN trong hệ thống các cơ quan kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Trước những yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước đối với KTNN trong công cuộc phòng, chống TNTCLP, KTNN phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một cách hệ thống, toàn diện cả về mặt pháp luật và hoạt động thực tiễn; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN; tổ chức hoạt động và phương pháp, công nghệ kiểm toán… đối với phòng, chống TNTCLP. Từ đó, tiếp tục đổi mới, phát huy ngày càng đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả đối với phòng, chống TNTCLP với vị thế là một công cụ kiểm tra, kiểm soát mạnh và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước.

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” được kết cấu gồm 4 chương:

Chương 1 – Cơ sở lý luận về hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống TNTCLP ở Việt Nam;

Chương 2 – Kinh nghiệm quốc tế về phòng chống TNTCLP của cơ quan KTNN và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam;

Chương 3 – Thực trạng pháp luật KTNN và hoạt động của KTNN Việt Nam trong phòng, chống TNTCLP;

Chương 4 – Phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống TNTCLP.

Đề tài được nghiên cứu thực hiện trong thời gian 30 tháng, khảo sát thực tế tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức 10 tọa đàm, 2 hội thảo khoa học để tiếp thu ý kiến từ các nhà quản lý, nhà khoa học. Trên cơ sở nghiên cứu, phát triển về lý luận, kinh nghiệm quốc tế và thực trạng của Việt Nam về pháp luật KTNN trong phòng, chống TNTCLP, Ban Đề tài đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật KTNN góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống TNTCLP ở Việt Nam.

Đánh giá cao công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc của Ban Đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng các luận điểm, khái niệm được phân tích rõ ràng, lập luận đảm bảo tính logic làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu. Cách giải quyết vấn đề là triệt để, có chỉ rõ lộ trình thực hiện các giải pháp.

3.jpg
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc. Ảnh: Nguyễn Ly

Để Đề tài hoàn thiện và nâng cao hơn nữa giá trị khoa học, Hội đồng nghiệm thu lưu ý một số nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa như sau: Một số khái niệm, thuật ngữ và nội dung cần biên tập lại cho rõ ràng, logic và phù hợp với tiêu đề.

Phần kinh nghiệm quốc tế nên được luận giải rõ hơn để gắn với mô hình nhà nước, cơ chế vận hành và đặc thù quản lý ngân sách của các nước, đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa KTNN và cơ quan phòng, chống tham nhũng, từ đó có cơ sở để rút ra bài học kinh nghiệm cho KTNN Việt Nam.

Ban Đề tài tiếp tục nghiên cứu, làm rõ vai trò, nhiệm vụ của KTNN góp phần thực hiện việc phòng ngừa TNTCLP. Việc phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là nhiệm vụ “phái sinh” trong hoạt động kiểm toán, do đó, cần đề xuất các giải pháp tập trung vào việc nâng cao năng lực của KTNN trong phòng ngừa TNTCLP.

Về lộ trình thực hiện giải pháp, việc chia các mốc thời gian và nhiệm vụ cần thực hiện của từng giai đoạn cần tham khảo một số văn bản có liên quan, như: Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026) của Đảng đoàn Quốc hội (Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021); Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị; Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã giao KTNN nghiên cứu rà soát Luật KTNN với thời hạn hoàn thành là năm 2024...

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Xuất sắc./.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong phòng chống tham nhũng