Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bắt nhịp cách mạng 4.0

(BKTO) - Cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là giải pháp căn cơ để bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là ý kiến trao đổi của TS. Nguyễn Bá Ân - Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh - với Báo Kiểm toán, bên lề Hội thảo “Kiến tạo nhân tài cho cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây.



“Cách mạng công nghiệp 4.0” là cụm từ đang được nhắc nhiều trong thời gian gần đây, xin ông cho biết những tác động của cuộc cách mạng này tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội?

         

   TS. Nguyễn Bá Ân
- “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” hay “Cách mạng công nghiệp 4.0” (CMCN 4.0) là khái niệm còn khá mới tại Việt Nam nhưng thực tế nó đã xuất hiện trên thế giới cách đây nhiều năm. Đến nay, CMCN 4.0 đang ảnh hưởng rất lớn tới tất cả lĩnh vực đời sống xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Điểm đột phá của cách mạng này chính là yếu tố công nghệ với hàng loạt các tên gọi đang dần trở nên phổ biến, như: điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo... Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, DN và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất.

Trong lĩnh vực thương mại, CMCN 4.0 tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, tạo nên sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, từ đó góp phần giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển.

Đối với lĩnh vực đầu tư, với bản chất của cuộc CMCN 4.0, công nghệ là mảng đầu tư trở nên hấp dẫn và tiềm năng nhất của các nhà đầu tư trong thời gian tới, đặc biệt là công nghệ số và Internet.

Sự đổi mới công nghệ sẽ mang đến năng suất lao động cao hơn, đồng thời tạo ra một sự dịch chuyển trong cơ cấu lao động, việc làm hiện nay.

Những thách thức nổi cộm của Việt Nam trong quá trình thực hiện CMCN 4.0 là gì, thưa ông?

- Cuộc cách mạng này sẽ mang tới nhiều cơ hội phát triển và hội nhập, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thách thức tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn. Đây thực sự là những khó khăn trong bối cảnh DN Việt Nam còn thua kém các DN nước ngoài về công nghệ và vốn đầu tư như hiện nay. Tuy nhiên, tôi đặc biệt lưu ý đến thách thức về nguồn nhân lực.

CMCN 4.0 là cuộc cách mạng do công nghệ làm chủ, tức là công nghệ, máy móc vừa đóng vai trò là lực lượng sản xuất lẫn phương tiện sản xuất và thay thế yếu tố lao động thủ công, trình độ thấp như hiện nay. Nhưng hiện tại, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện vẫn chiếm trên 44% (khoảng hơn 23 triệu người) tổng cơ cấu lao động; trong khi nguồn lao động được đào tạo bài bản, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 lại thiếu hụt lớn. Thách thức này sẽ không dễ giải quyết trong thời gian ngắn.

Để giải quyết thách thức từ trên, ông có lưu ý gì đối với công tác đào tạo lao động hiện nay?

- Đối với thách thức về nguồn nhân lực, cần có sự thay đổi từ Chính phủ, đến các cơ sở đào tạo, DN. Ở cấp vĩ mô, cần đẩy mạnh cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo; có cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên cho đào tạo các ngành khoa học và công nghệ, kỹ thuật.

Đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, việc đầu tiên và cấp bách là phải có các giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trình độ cao; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trên cơ sở thực hiện xã hội hóa giáo dục; đào tạo gắn với việc làm và theo nhu cầu xã hội. Do vậy, nhà trường cần phối hợp với DN, tổ chức kinh tế - xã hội xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo; lắng nghe, tiếp nhận sự đánh giá, góp ý từ các DN sử dụng lao động về sản phẩm đào tạo của mình.

Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp từ bậc phổ thông đến đại học cần được đẩy mạnh, bảo đảm cho học sinh, sinh viên có định hướng đúng về ngành nghề, có hoài bão, động cơ, thái độ học tập nghiêm túc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

NGUYỄN LỘC
Theo Tuần Báo ra ngày 19-10-2017
Cùng chuyên mục
  • KTNN quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 17/10, tạiHà Nội, Công đoàn KTNN tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh Bắc bộ và BắcTrung bộ khắc phục hậu quả do thiên tai lũ lụt gây ra. Các Phó Tổng Kiểm toánNhà nước cùng đông đảo công chức, viên chức, người lao động KTNN đã tham dự vàủng hộ.
  • Khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn, đáp nghĩa
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 16/10, trong khuôn khổ Hội nghị Ban Chấphành Đảng bộ KTNN lần thứ X, Đảng ủy KTNN đã công bố quyết địnhkhen thưởng 12 đơn vị, tổ chức của KTNN có thành tích xuất sắc trong công tác “đềnơn, đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 70 năm NgàyThương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017).
  • Hơn 264 tỷ đồng “Chung tay vì người nghèo”
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tối 15/10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH), ĐàiTruyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo”năm 2017. Chương trình với thông điệp "Cả nước chung tay vìngười nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" là sự kiện mở đầu cho thángcao điểm "Vì người nghèo" (từ 17/10 đến 18/11).
  • Cần có chính sách bảo vệ lao động  phi chính thức
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Việc làm bấp bênh, thời gian làm việc kéo dài, không có hợp đồng lao động và không được hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT)… là những thiệt thòi mà lao động phi chính thức (lao động tự do) đang phải hứng chịu. Bởi vậy, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để bảo vệ nhóm lao động này.
  • Tinh giản biên chế:  Chủ trương giảm, thực tế lại tăng
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, việc tinh giản biên chế đã bước đầu được thực hiện, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức đang dần được sắp xếp hợp lý hơn. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bắt nhịp cách mạng 4.0