PGS,TS. Đinh Thế Hùng - Phó Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán. |
Thưa ông, dưới góc nhìn nghiên cứu gắn với thực tiễn, ông đánh giá ra sao về chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong nước hiện nay?
Chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán hiện nay về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, các đơn vị sử dụng. Bên cạnh việc được đào tạo nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo chính thức, người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các chương trình đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ và đã được trang bị thêm nhiều kiến thức mới liên quan đến việc ứng dụng công nghệ mới.
Trong một vài năm gần đây, với sự hoạt động có hiệu quả của các Hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong và ngoài nước như Hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Viện Kế toán Công Chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA), CPA Australia… thì việc kết nối công việc của những người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Xu hướng phát triển nghề nghiệp của những người làm kế toán đã ngày càng rõ nét hơn thông qua việc người làm kế toán tiếp tục học tập và đào tạo để có được các chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định như: kiến thức và tư duy của người làm kế toán chủ yếu mang tính nghiệp vụ và tuân thủ; tính chủ động, sáng tạo còn hạn chế; tác phong làm việc và tư duy làm việc còn chưa thực sự chuyên nghiệp. Đáng lưu ý, một bộ phận không nhỏ người làm kế toán có tư duy an phận, ít nỗ lực phấn đấu về chuyên môn và phát triển sự nghiệp.
Thêm vào đó, hiện nay với Chiến lược Kế toán – Kiểm toán đến năm 2030 mà Bộ Tài chính vừa ban hành sẽ là thách thức đối với nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Vấn đề này đòi hỏi những người làm kế toán, kiểm toán phải cập nhật được các kiến thức mới như về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); kỹ thuật trong kế toán, kiểm toán như phân tích dữ liệu, kỹ thuật kiểm toán trong điều kiện áp dụng công nghệ thông tin.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu của khoa học, công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Vậy, công tác đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán cần có những thay đổi như thế nào để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cũng như phù hợp với các chuẩn mực kế toán, kiểm toán, thưa ông?
Yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực và trước những yêu cầu mới trong hội nhập, trước sự khởi phát của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có sự đổi mới rất căn bản về chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cử nhân kế toán và kiểm toán.
Thực tiễn cho thấy, lợi ích mà công nghệ 4.0 và internet mang lại cho người làm trong ngành kế toán, kiểm toán là giúp cho công việc trong ngành không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý... Những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là động lực giúp các cá nhân, DN, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán ở các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, giúp nâng cao năng suất lao động.
Đến nay, đã có 223 tổ chức cấp bằng cao đẳng về kế toán, 126 tổ chức cấp bằng đại học, 18 tổ chức cấp bằng thạc sĩ và 5 tổ chức cấp bằng tiến sỹ về kế toán. Hằng năm, có từ 50.000 đến 60.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành kế toán, tham gia vào thị trường lao động trong nước và quốc tế về lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Bên cạnh đó, số học viên được cấp bằng thạc sỹ chuyên ngành Kế toán cũng đạt khoảng trên 3.000 học viên. |
Để đáp ứng được yêu cầu hội nhập, cũng như tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì xu hướng đào tạo kế toán - kiểm toán cũng phải thay đổi để thích ứng và bắt kịp với xu hướng hội nhập hiện nay. Trong đó, cần nhiều giải pháp để đổi mới cả nội dung và chương trình đào tạo cử nhân kế toán, kiểm toán ở các cơ sở đào tạo, trên cơ sở bám sát các tác động của công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0 đến nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
Cần xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về kế toán, kiểm toán quốc gia để làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo hiện có để các cử nhân ra trường có một nền tảng về kiến thức, kỹ năng đáp ứng được nhu cầu của đơn vị sử dụng. Trong đó, chú trọng tới tư duy tổng hợp, kỹ năng xử lý công việc, khả năng sử dụng ngoại ngữ chuyên môn để có thể hội nhập với nguồn nhân lực quốc tế.
Đồng thời, tăng cường liên kết và phối hợp với các tổ chức, hội nghề nghiệp trong và ngoài nước, các DN trong việc xây dựng chương trình cũng như trong quá trình đào tạo; giúp cho sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế ngay từ những năm đầu học tập. Điều này sẽ giúp sinh viên tìm hiểu, tiếp cận với ngành nghề, công việc sớm để có thể thích ứng ngay với các yêu cầu nghề nghiệp và sự thay đổi trong quá trình làm việc.
Ông có lưu ý gì đối với đội ngũ kế toán, kiểm toán viên tương lai trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập và tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay (dịch bệnh, chiến tranh…)?
Trong bối cảnh hiện nay với việc đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng hơn và còn nhiều biến động thì đội ngũ làm kế toán, kiểm toán cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đội ngũ kế toán, kiểm toán viên cần không ngừng nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng để thích ứng, hội nhập. Ảnh sưu tầm |
Một là, đội ngũ kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải có kiến thức về chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)… và tăng cường thi lấy chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước, với mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn để có thể tham gia vào thị trường lao động quốc tế.
Hai là, tăng cường khả năng hiểu biết về các công nghệ. Với sự phát triển mạnh sẽ của khoa học công nghệ, để khai thác được giá trị của công nghệ trong việc thu thập, xử lý, lưu trữ, truy xuất dữ liệu, tổng hợp hay phân tách dữ liệu… những người làm kế toán, kiểm toán cần chủ động học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ khoa học công nghệ để thích ứng với các vấn đề mới như chứng từ điện tử, công nghệ Blockchain, điện toán đám mây, ngôn ngữ báo cáo kinh doanh...
Ba là, nâng cao kỹ năng sử dụng về kế toán số, quản trị phần mềm kế toán, biết tiếp nhận thông tin, khai thác dữ liệu hiệu quả, biết bảo mật thông tin… nhằm giữ vững đạo đức nghề nghiệp, góp phần phát triển kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm cũng như tầm nhìn của các kế toán viên, kiểm toán viên.
Bốn là, nâng cao kiến thức về kinh tế ứng dụng, tài chính học, có năng lực tư duy phản biện, phát hiện vấn đề nhằm đủ khả năng phân tích các tình huống kinh tế thực tế, phân tích chính sách, phân tích thị trường…
Cuối cùng, người học cần chú trọng đến các kỹ năng như giao tiếp, kết nối, hợp tác, đồng cảm, thương lượng, thuyết phục, lãnh đạo… Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc trau dồi, phát triển khả năng ngoại ngữ là một trong những yếu tố quan trọng mà người làm kế toán cần hướng đến. Có vốn ngoại ngữ tốt sẽ giúp nhân viên kế toán hiểu chi tiết hơn về hệ thống pháp luật, các quy tắc, chuẩn mực quốc tế, giúp quá trình làm việc, trao đổi nội dung, làm báo cáo… diễn ra thuận lợi hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!