Nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn

(BKTO) - Kế hoạch kiểm toán (KHKT) trung hạn là nền tảng, định hướng để Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức thực hiện nhằm đạt được mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn, từng năm; đồng thời giúp tránh được sự chồng chéo giữa các đơn vị trực thuộc KTNN và giữa hoạt động kiểm toán của KTNN với hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng.

dsc_3927.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban Đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

Sáng 14/9, Hội đồng khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cập Bộ “Giải pháp hoàn thiện và nâng cao chất lượng xây dựng KHKT trung hạn của KTNN” do ThS. Lê Thị Thu Hương (Vụ Tổng hợp), ThS. Vũ Thị Bắc (KTNN khu vực I) đồng chủ nhiệm.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng và Ban Đề tài.

ths.-le-thi-thu-huong-vu-tong-hop-trinh-bay-ket-qua-nghien-cuu.jpg
ThS. Lê Thị Thu Hương (Vụ Tổng hợp) trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo ThS. Lê Thị Thu Hương, xây dựng KHKT là bước đầu tiên và quan trọng trong chu trình hoạt động kiểm toán nhằm đảm bảo tính hiệu quả cho cuộc kiểm toán nói riêng, hoạt động kiểm toán nói chung. KHKT có nhiều loại như: KHKT trung hạn, KHKT năm, KHKT của cuộc kiểm toán (KHKT tổng quát của đoàn kiểm toán, KHKT chi tiết của tổ kiểm toán). Mỗi loại KHKT có vai trò, ý nghĩa riêng và đều có tác động quan trọng đến thành công của hoạt động kiểm toán.

Trong đó, KHKT trung hạn được KTNN xây dựng lần đầu vào năm 2012 cho giai đoạn 2013-2015, sau đó đến năm 2017 mới tái lập việc xây dựng KHKT trung hạn cho loại hình kiểm toán hoạt động với mỗi giai đoạn là 3 năm. Tuy nhiên, tính đến trước năm 2021, việc xây dựng KHKT trung hạn cho loại hình này chủ yếu được thực hiện tại các đơn vị thuộc KTNN có thành lập Phòng Kiểm toán hoạt động (Vụ Tổng hợp, 3 KTNN chuyên ngành, 2 KTNN khu vực), do vậy, chưa đồng bộ, thống nhất trong Ngành.

Ngoài ra, việc xây dựng KHKT trung hạn cũng chưa áp dụng đầy đủ phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu theo thông lệ tốt của quốc tế; việc xác định chủ đề kiểm toán để đưa vào KHKT trung hạn cũng chưa được phân tích, đánh giá đầy đủ về cơ sở thực tiễn các hoạt động quản lý nhà nước, sử dụng tài chính công, tài sản công… nên thiếu tính chiến lược và chưa đảm bảo chất lượng như kỳ vọng.

quang-canh-2.jpg
Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Nguyễn Ly

Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực trạng lập KHKT trung hạn của KTNN từ năm 2012 đến nay, Nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp hoàn thiện và nâng cao chất lượng xây dựng KHKT trung hạn của KTNN theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; cung cấp cẩm nang cơ bản trong công tác xây dựng KHKT trung hạn thông qua việc áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế trong thực tiễn KTNN Việt Nam để nâng cao chất lượng kiểm toán, hiệu quả kiểm toán trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Đề tài có kết cấu gồm 3 chương, cụ thể: Chương 1 - Lý luận chung về KHKT trung hạn của KTNN, Chương 2 -Thực trạng xây dựng KHKT trung hạn của KTNN, Chương 3 - Giải pháp hoàn thiện và nâng cao chất lượng xây dựng KHKT trung hạn của KTNN.

ngo-minh-kiem-kiem-toan-truong-ktnn-khu-vuc-7-phan-bien-2-nhan-xet-de-tai(1).jpg
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm khuyến nghị Ban Đề tài nghiên cứu một số giải pháp cụ thể để phát huy vai trò tham gia của nhân tố bên ngoài trong thực tiễn xây dựng KHKT trung hạn. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng khoa học KTNN đánh giá Đề tài làm rõ các luận cứ làm cơ sở để lập KHKT trung hạn; đánh giá thực trạng lập KHKT trung hạn của KTNN từ năm 2012 đến nay, rút ra những kết quả đạt được, hạn chế và xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế để hoàn thiện và nâng cao chất lượng xây dựng KHKT trung hạn của KTNN.

Đề tài đã đề xuất hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về xây dựng KHKT trung hạn của KTNN; đưa ra giải pháp phân công, phân nhiệm cụ thể cho các đơn vị thuộc KTNN để tăng cường tính chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo và mối quan hệ phối hợp chặt chẽ trong xây dựng KHKT trung hạn, góp phần giải quyết tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong lập KHKT của KTNN.

ths-tran-van-hao-kiem-toan-truong-ktnn-chuyen-nganh-6-nhan-xet.jpg
ThS. Trần Văn Hảo - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI - đề nghị Ban Đề tài có những đánh giá, dự báo về tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian tới để đưa ra khuyến nghị về xây dựng KHKT trung hạn của KTNN.
Ảnh: Nguyễn Ly

Để Đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên Hội đồng khuyến nghị Ban Đề tài bổ sung làm rõ hơn khái niệm KHKT trung hạn, căn cứ xây dựng, mục tiêu; vai trò của KHKT trung hạn (định hướng, giảm chồng chéo, tăng hiệu quả kiểm tra, giám sát…); nghiên cứu một số giải pháp cụ thể để phát huy vai trò tham gia của nhân tố bên ngoài trong thực tiễn xây dựng KHKT trung hạn. Ngoài ra, Ban Đề tài bổ sung một giải pháp về xây dựng KHKT dài hạn và nâng cao chất lượng kế hoạch kiểm toán năm vì KHKT trung hạn có mối quan hệ hữu cơ với KHKT dài hạn và KHKT năm.

Kết luận tại buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá: Đề tài có giá trị cao về cả lý luận và thực tiễn, xuất phát từ hoạt động của Ngành thời gian qua. KHKT có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của KTNN, vì vậy, Nhóm tác giả cần phải nghiên cứu, bổ sung thêm những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, vấn đề nóng, mới, bám sát các chiến lược, nghị quyết, quy hoạch quốc gia. Từ đó, có đề xuất, kiến nghị cụ thể chức năng, nhiệm vụ, vai trò của từng đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành, khu vực trong việc dự báo, lựa chọn các chủ đề, nội dung kiểm toán trong trung hạn.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài xếp loại Xuất sắc./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn