Nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, hướng tới tăng trưởng bền vững

(BKTO) - Sau hơn nửa thế kỷ chuyển mình, ngành thủy sản của nước ta đang vươn lên trở thành mũi nhọn về xuất khẩu thủy sản của thế giới với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt hàng tỷ USD. Như chia sẻ của Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân, toàn ngành đang hướng đến tăng trưởng bền vững, theo chuỗi giá trị và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

thuy-san.jpg
Ngành thủy sản đang vươn lên trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh ST

Năm 2024, ngành thủy tròn 65 năm xây dựng và phát triển. Xin ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của ngành thủy sản 65 năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ đất nước hội nhập?

Trên chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, ngành thủy sản đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đã đạt được nhiều thành quả.

Trong đó, giai đoạn từ năm 1995 đến nay chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành. Sản xuất kinh doanh thủy sản chuyển biến vượt bậc theo hướng nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nghề cá cả nước, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Bác đã căn dặn: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng vô tận của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 01/4 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam.

Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023.

Hiện, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD (năm 1999) và gần 11 tỷ USD (năm 2022), đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam).

dsc_0151.jpg
Nguồn lợi mang lại từ khai thác thủy sản giúp nâng cao đời sống cho người dân vùng biển và kinh tế của địa phương. Ảnh: N.Lộc

Có thể nói, 65 năm qua, ngành thủy sản từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ đến nay đã vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. Những nguồn thu mang lại từ ngành thủy sản đã giúp cải thiện rõ rệt đời sống kinh tế, xã hội của bà con ngư dân, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. 
Ngành thủy sản đang hướng đến phát triển bền vững theo hướng đẩy mạnh chế biến phụ phẩm để mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường. Ông có thể chia sẻ cụ thể về vấn đề này?

Phụ phẩm từ chế biến thủy sản theo số liệu thống kê hiện có khoảng 1 triệu tấn (chiếm 15-20% so với tổng sản lượng thủy sản chế biến). Trong đó, 90% phụ phẩm chế biến thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích, có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như collagen, hay một số thực phẩm ăn liền…

Để đạt được hiệu quả cao nhất từ nguồn phụ phẩm này, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng. 

ntk_3670-2.jpg
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân

Ngoài ý nghĩa về việc gia tăng hiệu quả kinh tế đối với ngành thủy sản, việc chế biến các phụ phẩm còn góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Ngành thủy sản trong giai đoạn 2021-2030 đã xây dựng và đang triển khai các chiến lược, chương trình đề án phát triển ngành theo hướng phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường. Trong đó, Đề án Phát triển ngành Chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 đã tập trung giải quyết các vấn đề sản phẩm thải, phụ phẩm từ ngành chế biến thủy sản, khuyến khích chế biến các sản phẩm từ phụ phẩm.

Đây là những bước đi quan trọng của ngành trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản, phát triển bền vững và cũng là nền tảng để vận hành nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thủy sản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đâu là những thách thức mà ngành thủy sản đang phải đối mặt, thưa ông? 

Những khó khăn mà ngành thủy sản tiếp tục phải đối mặt, đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành, như: nguồn lợi hải sản suy giảm; vấn đề truy xuất nguồn gốc với hải sản khai thác chống khai thác bất hợp pháp và phải khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, đảm bảo an toàn thực phẩm; châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác…

Đặc biệt, tình hình thế giới bất ổn, chiến sự tại nhiều nơi làm gián đoạn việc vận tải, chi phí logictics cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại, quy mô sản xuất bị thu hẹp. Điều này tác động xấu đến hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

dsc_5970.jpg
Ngành thủy sản tăng cường nuôi trồng, giảm đánh bắt, hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: N.Lộc

Vậy theo ông, giải pháp nào để ngành thủy sản vượt qua thách thức và đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững?

Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, Cục Thủy sản cùng với toàn ngành sẽ theo dõi  chặt chẽ tình hình thị trường để có giải pháp ứng phó phù hợp; chú trọng sản xuất an toàn... 

Cùng với tăng cường liên kết doanh nghiệp với chuỗi giá trị thủy sản, gỡ khó về thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, ngành tiếp tục giảm khai thác, tăng nuôi trồng, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản.

Trong lĩnh vực khai thác, phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm... Đây không chỉ là yêu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới.

Trước mắt, thực hiện mục tiêu xuất khẩu năm 2024, ngành thủy sản sẽ tiếp tục phát triển thủy sản nuôi biển, nuôi lòng hồ song song với các giải pháp phát triển khoa học công nghệ để nâng cao giá trị chế biến từ sản phẩm nuôi và đánh bắt.

Tăng cường quản lý đội tàu đánh bắt để ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép, hướng đến việc gỡ bỏ “thẻ vàng” thủy sản trong năm nay.

dsc_0004.jpg
Tăng cường quản lý đội tàu để giảm tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép. Ảnh: N.Lộc

Đồng thời, tăng cường khả năng dự báo tình hình; thúc đẩy xúc tiến thương mại tại thị trường mới để đa dạng hóa thị trường cho thủy sản Việt.

Đặc biệt, ngành thủy sản sẽ tập trung triển khai Dự án Phát triển thủy sản bền vững, vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường quản lý ngành thủy sản và gia tăng giá trị sản phẩm thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng thông minh; tăng cường năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định, quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản./.

Cùng chuyên mục
Nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, hướng tới tăng trưởng bền vững