Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về giao thông đô thị

(BKTO) - Diện tích đất của Thành phố Hà Nội dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại được đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng…

1(2).jpg
Các tuyến đường giao thông trục chính có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn. Ảnh: Nguyễn Ly

Phát triển kết cấu hạ tầng không theo kịp số lượng phương tiện giao thông

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội về công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, mạng lưới đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội đang khai thác có tổng chiều dài 23.420,2 km, bao gồm 5 tuyến cao tốc và vành đai với tổng chiều dài là 153,4 km; 11 tuyến đường quốc lộ dài 274,2 km; 128 tuyến đường tỉnh dài 872,5 km; 1220 tuyến đường đô thị dài 1.048,1 km; đường quận, huyện dài 3.494,4 km và đường xã thôn dài 17.577,6 km.

Dân số của thành phố Hà Nội là trên 8 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố). Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến tháng 10/2023 là trên 7.880.136 phương tiện các loại, trong đó xe ô tô khoảng 1.107.982 chiếc, xe môtô khoảng 6.772.154 chiếc, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.

Nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông hiện nay, theo nhận định của UBND Thành phố là do quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Với số lượng phương tiện giao thông tăng hằng năm, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải.

Cùng với đó, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, theo thói quen không tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch.

Nhiều công trình trên đường giao thông được thực hiện trên địa bàn thành phố, đặc biệt khu vực trung tâm, quá trình tổ chức thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Các tuyến đường giao thông trục chính, các cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, các nút giao, trục đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm giao thông, tai nạn giao thông cũng dẫn đến ùn tắc giao thông.

Về công tác tổ chức giao thông, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND Thành phố đã chỉ đạo thành lập 4 tổ công tác liên ngành gồm Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập trong tổ chức giao thông; giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, các điểm đen về tai nạn giao thông. Kết quả đã thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông 44 tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn thành phố để giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Xử lý 11/37 điểm ùn tắc giao thông; đồng thời, đã xác định 4 nhóm nguyên nhân gây ra 26 điểm ùn tắc giao thông còn lại và đang tập trung xử lý. Với các điểm đen tai nạn giao thông, năm 2022 đã xử lý dứt điểm 21 điểm, trong năm 2023 xử lý được 6/7 điểm...

Về tình hình cấp phép tạm thời sử dụng lòng đường, vỉa hè để tổ chức trông giữ phương tiện, tính đến 20/10/2023, Sở Giao thông Vận tải đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ phương tiện cho 40 đơn vị tại 214 vị trí, với diện tích 37.985m2. UBND cấp huyện cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cho các tổ chức, cá nhân để trông giữ xe với khoảng 422 điểm, diện tích 93.300m2.

Ưu tiên hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, trục chính có tính kết nối

Theo UBND Thành phố, để giải quyết triệt để, ổn định tình hình ùn tắc giao thông, cần tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg, trong đó ưu tiên hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai; các tuyến trục chính có tính kết nối; các cầu qua sông Hồng...

Ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng để góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông, văn minh đô thị.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, có ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí lực lượng chốt trực, hướng dẫn giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải; xén mở rộng tối đa mặt đường để tăng khả năng thông hành cho các phương tiện lưu thông; xén mở rộng các nút giao, tạo các nhánh rẽ phải liên tục giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút.

UBND Thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức phân luồng giao thông hợp lý nhất để phục vụ thi công các dự án trên địa bàn thành phố để giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông. Thường xuyên rà soát các bất cập của tổ chức giao thông, nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý nhằm hạn chế xung đột. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.../.

Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về giao thông đô thị